facebook

Vận tải – Logistics

Hoạt động Vận tải - Logistics ngày nay không ngừng phát triển.Để thích nghi với những nhu cầu đang thay đổi của khách hàng, các doanh nghiệp thành công luôn đi trước xu thế, xây dựng quy trình quản lý vững chắc và quy hoạch chuyển tiếp.

Điểm lại 10 sự kiện lớn ngành Giao thông vận tải năm 2017

Ông Nguyễn Văn Thể về làm Bộ trưởng Bộ GTVT

1. Bộ GTVT có Bộ trưởng mới

Chiều 2/11/2017, tại Bộ GTVT đã diễn ra Lễ công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ.

Tại Hội nghị, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình đã công bố Quyết định của Bộ Chính trị cho đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thôi giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng để giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVT. Đồng chí Nguyễn Văn Thể được chỉ định giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT.

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trao Quyết định của Bộ Chính trị cho đồng chí Nguyễn Văn Thể.

2. Khánh thành hầm đường bộ Đèo Cả

Cắt băng khánh thành hầm đường bộ Đèo Cả. Ảnh: internet

Hầm Đèo Cả trên Quốc lộ 1A được khánh thành giúp ôtô từ Khánh Hòa đi Phú Yên và ngược lại chỉ 10 phút, so với trước hơn một giờ.

Sáng 21/8, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức thông xe hầm đường bộ Đèo Cả, trên Quốc lộ 1A nối Khánh Hòa với Phú Yên, sau gần 5 năm thi công. Việc đưa hầm vào sử dụng giúp các ôtô qua đèo chỉ còn 10 phút, so với một giờ trước đây.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Lê Đình Thọ đánh giá hầm Đèo Cả khi đưa vào vận hành giúp rút ngắn khoảng cách và thời gian cho các loại xe khi chạy trên Quốc lộ 1A; xóa bỏ điểm đen tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A giáp Khánh Hòa - Phú Yên và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội miền Trung - Tây Nguyên và toàn khu vực.

Đặc thù xây hầm Đèo Cả bằng hình thức BOT nên được Nhà nước cho đơn vị phần vốn đối ứng. Hồi năm 2012, do ngân sách khó khăn nên Thủ tướng quyết định giao công ty hai trạm Ninh An và Bàn Thạch để thu phí, số tiền thu được một phần vốn đối ứng hợp đồng BT dự án hầm Đèo Cả.

3. Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông tiếp tục lỡ hẹn về đích

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông tiếp tục lỡ hẹn về đích 

Tổng thầu Trung Quốc của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đề xuất dời chạy thử kỹ thuật dự án đến đầu tháng 9/2018; vận hành, khai thác thương mại vào tháng 11/2018. 

Trước đề xuất trên, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Ban quản lý dự án đường sắt rà soát lại tiến độ, sau đó sẽ báo cáo Thủ tướng trong tháng 1/2018. Như vậy đề xuất của Tổng thầu chưa được duyệt chính thức, tuy nhiên nếu theo đề xuất trên, dự án sẽ chậm khoảng 11 tháng so với kế hoạch gần đây là chạy thử kỹ thuật vào tháng 10/2017 và khai thác thương mại vào giữa năm 2018. 

Tại cuộc họp về đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) ngày 22/12, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ đã đồng ý khai thác thương mại dự án vào quý I/2018, nhưng do vấn đề liên quan đến việc triển khai Hiệp định vay vốn bổ sung nên tiến độ công trình này bị chậm. 

Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng thầu Trung Quốc bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm đảm nhiệm vai trò “tổng chỉ huy” để giám sát quá trình thực hiện dự án; lập lại tiến độ tổng thể và chi tiết, có kế hoạch thực hiện chi tiết từng hạng mục, mốc thời gian cụ thể để quản lý tốt tiến độ.

Đồng thời, ông Thể đề nghị lãnh đạo cao nhất của Tổng thầu cam kết tuân thủ tiến độ điều chỉnh lần này (cuối năm 2018) với Bộ Giao thông, để trình lên cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

4.TP.HCM xin thêm gần 800 triệu USD làm tuyến metro số 2

TP.HCM xin thêm gần 800 triệu USD làm tuyến metro số 2. Ảnh: Báo xây dựng

Tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đã phải xin thêm vốn và giãn tiến độ hoàn thành vì những vướng mắc tương tự metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Thủ tướng về chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư và thời gian hoàn thành dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 Bến Thành - Tham Lương. TP.HCM kiến nghị điều chỉnh tăng mức đầu tư dự kiến từ 1,374 tỷ USD thành 2,173 tỷ USD, và lùi thời gian hoàn thành dự án vào năm 2024. Theo đề xuất trước đây, dự án dự kiến hoàn thành năm 2018, sau đó được Thủ tướng gia hạn đến năm 2020. Tuy nhiên, theo văn bản này, thành phố trình điều chỉnh thời gian hoàn thành đến năm 2024 để đảm bảo tiến độ thực tế công việc đang triển khai. Văn bản cũng cho biết thời gian này đã được thống nhất với các nhà tài trợ dự án. UBND TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận để tiếp tục là cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án theo quy định của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia.

Thành phố nhấn mạnh việc dự phòng trượt giá tới năm 2024 (do thời gian thực tế triển khai dự kiến đến năm 2024 mới hoàn thành), thay vì trước đây trong dự án được duyệt năm 2010 chỉ tính dự phòng đến năm 2016. 

5. Hàng không Việt Nam: Nỗ lực giảm phát thải khí CO2

Nỗ lực giảm phát thải khí CO2. ảnh: Minh họa

Kế hoạch hành động giảm phát thải khí CO2 trong hoạt động hàng không dân dụng Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đã được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt, ký và ban hành thực hiện. Đây là bước đi nhằm chống biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.Thực hiện Nghị quyết A38-18 của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam đã chủ trì xây dựng Kế hoạch hành động giảm phát thải khí CO2 trong hoạt động hàng không dân dụng Việt Nam giai đoạn 2016 trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ tăng cường năng lực và đổi mới thể chế thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý với sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). 

Cục Hàng không Việt Nam đã trình Bộ GTVT “Kế hoạch hành động giảm phát thải khí CO2 trong hoạt động hàng không dân dụng Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020“ và đệ trình ICAO Kế hoạch hành động giảm phát thải khí CO2 trong hoạt động hàng không quốc tế Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020 (Green action plan to reduce CO2 emissions from Vietnam’s international civil aviation sector (2017 - 2020)).

6. Ấn nút 2 siêu dự án giao thông Cao Tốc Bắc – Nam

Đại biểu quốc hội đồng thuận cao dự án cao tốc Bắc - Nam

Trên 83% ĐHQH (kỳ họp thứ 4, QH khóa 14) ấn nút đồng thuận. Kinh phí đầu tư là 118.000 tỷ đồng. Trong đó 55.000 tỷ đồng vốn nhà nước đầu tư và hơn 63.000 tỷ đồng huy động ngoài ngân sách; sơ bộ nhu cầu sử dụng đất trên 3.700ha, trong đó hơn 1.000ha đất trồng lúa.

Giai đoạn 2017-2020, dự án cao tốc Bắc Nam được đầu tư 654km, chia làm 11 dự án thành phần, với các đoạn từ Cao Bồ, Nam Định đến Bãi Vọt, Hà Tĩnh; từ Cam Lộ, Quảng Trị đến La Sơn, Thừa Thiên - Huế; từ Nha Trang, Khánh Hòa đến Dầu Giây, Đồng Nai, Cầu Mỹ Thuận 2, Tiền Giang và Vĩnh Long.

QH giao Chính phủ chuẩn bị đầu tư để thực hiện dự án từ năm 2017 và cơ bản hoàn thành năm 2021.

7. Thúc đẩy GPMB Sân bay Long Thành

Thúc đẩy mạnh mẽ công tác giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành 

Trên 91% ĐBQH tán thành thông qua nghị quyết về đền bù, giải phóng mặt bằng cảng hàng không quốc tế Long Thành vào ngày họp cuối (24/11 - kỳ họp thứ 4, QH khóa 14). Kinh phí đầu tư gần 23.000 tỷ đồng GPMB sân bay Long Thành.

QH đồng ý triển khai dự án trên diện tích gần 5.400ha, trong đó diện tích đất của dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành là 5.000ha, 282ha cho khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn; 20ha đất cho khu nghĩa trang.

Để tiết kiệm vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, phần vốn còn thiếu gần 3.000 tỷ đồng được huy động từ nguồn thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư.

Trường hợp không đủ sẽ được Chính phủ báo cáo UB Thường vụ QH bố trí từ nguồn kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, sẽ cố gắng tập trung triển khai để hoàn thành sớm sân bay Long Thành vào năm 2023.

8. Ồn ào chuyện thu phí BOT

Chưa bao giờ BOT nóng như thời gian qua, khi các tài xế phản ứng gay gắt vì cho rằng trạm thu phí đặt sai vị trí, yêu cầu di dời dẫn đến căng thẳng, buộc trạm phải xả liên tục.

Một năm đầy biến động của các dự án BOT. Ảnh: Vietnamnet.vn

BOT Cai Lậy chính thức thu phí từ ngày 1/8. Sau 2 tuần hoạt động, ngày 15/8, các tài xế cho rằng trạm thu phí đặt trên quốc lộ 1 là không hợp lý, mức thu phí quá cao nên phản đối bằng cách đưa tiền lẻ, gây kẹt xe, buộc chủ đầu tư phải nhiều lần xả trạm.

Ngày 16/8, Bộ GTVT đã họp, thống nhất giảm giá vé qua trạm BOT Cai Lậy. Tuy nhiên, các tài xế cho rằng, việc giảm giá vé này chưa thoả đáng, phải dời trạm thu phí vào tuyến tránh.

BOT Cai Lậy, BOT Bến Thủy, BOT Hải Dương,Trạm thu phí Cai Lậy,BOT Biên Hòa, BOT Hưng Yên

Ngày 17/8, trả lời báo chí về khả có thể phải di dời trạm thu phí, ông Lưu Văn Hào, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang nói: "Nếu phải thực hiện thì nhiều khả năng phá vỡ phương án tài chính. Khi đó chúng tôi sẽ trả dự án cho Nhà nước, lấy lại tiền để đi chỗ khác cho đỡ đau đầu”.

Tuy nhiên ngay sau đó vị này vẫn khẳng định: "Chúng tôi chẳng bao giờ muốn di dời".

Đến ngày 30/11, BOT Cai Lậy thu phí trở lại sau hơn 3 tháng xả trạm. Để đối phó với tài xế trả tiền lẻ, chủ đầu tư bố trí làn xe riêng. Ngoài ra cũng bố trí dàn xe cẩu chờ sẵn để kéo những ô tô cố tình gây ùn tắc. Lực lượng CSGT, cảnh sát trật tự, cảnh sát 113 cũng có mặt hỗ trợ.

Tuy nhiên, các tài xế phản ứng dữ dội, dùng các chiến thuật như “25-1”, “quên đem tiền”, không mua vé… khiến BOT Cai Lậy phải xả trạm liên tục.

Những ngày sau đó, BOT Cai Lậy liên tục điệp khúc xả - thu. Trước tình hình 'nóng' tại BOT Cai Lậy, tối 4/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có quyết định dừng thu phí 1-2 tháng dự án này, yêu cầu Bộ trưởng GTVT có báo cáo toàn diện, đề xuất phương án trình Chính phủ quyết định.

Trước đó, trong tháng 9 và liên tục các ngày 2 đến 5/10, nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ để mua vé qua trạm BOT Biên Hòa khiến giao thông qua trạm ùn tắc kéo dài. Trong đó, ngày 5/10, hàng chục tài xế đậu trong trạm thu phí khiến giao thông trên quốc lộ 1 tê liệt nhiều giờ. Trạm thu phí đã xả trạm từ 15h cùng ngày.

Chiều 4/9, nhiều người dân 2 huyện Văn Lâm, Văn Giang, tỉnh Hưng Yên cùng lái xe vây quanh trạm thu phí Văn Lâm trên QL5 phản đối thu phí. Các tài xế xe tải dùng tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng để trả tiền phí, gây ùn tắc cục bộ.

9. Sau 10 năm, tỷ lệ người đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy đạt 90%

Theo thống kê sau 10 năm số người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm đến 90 % 

Sau 10 năm thực hiện quy định bắt buộc về đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, tỷ lệ người chấp hành tại Việt Nam đã đạt hơn 90%.

Ngày 15/12, Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia phối hợp với các bộ ngành, cơ quan thành viên và quỹ phòng chống thương vong châu Á tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô xe máy.

Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện những thành tựu đã đạt được, bài học kinh nghiệm và thách thức sau 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm tại Việt Nam. Đồng thời là dịp để trao đổi về thực trạng việc chấp hành đội mũ bảo hiểm cho trẻ em tham gia giao thông và những vấn đề liên quan đến sản xuất, kinh doanh mũ kém chất lượng, mũ giả. Hội nghị cũng trao đổi và định hướng những nhiệm vụ tiếp theo với mục tiêu nâng cao hiệu quả của thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm để tiếp tục giảm thiểu số ca bị thương và tử vong do tai nạn giao thông ở Việt Nam.

10. Khánh thành cầu vượt biển dài nhất Việt Nam

Thông xe cầu vượt biển dài 5,44km 

Cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện có tổng chiều dài 5,44km. Đây là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam và một trong những cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á. 

Trước đây, để đến huyện đảo Cát Hải, phải đi phà Đình Vũ trong 1 giờ (chỉ có 2 chuyến đi, về trong ngày). Từ hôm nay, nhờ có cầu vượt biển, mọi người sẽ chỉ mất chưa đầy 30 phút.

Cầu thuộc dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện với tổng chiều dài 15,63km. Điểm đầu nối từ đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (tại nút Tân Vũ) thuộc phường Tràng Cát, quận Hải An; điểm cuối là cổng cảng Lạch Huyện (cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng) thuộc huyện Cát Hải. 

Trong đó, phần cầu có chiều dài 5,44km; phần đường dẫn dài 10,19km. Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, mặt cầu rộng 16m. 

Tổng mức đầu tư dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện là 11.849 tỷ đồng từ vốn vay ODA Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Nguồn: nhadautu.vn

Tải bản đầy đủ

Võ Hùng Tiến

Tổng giám đốc, kiêm chủ tịch tập đoàn

Chúng tôi không ngừng đem lại lợi ích cao nhất cho khách hàng, nhân viên, nhà đầu tư và toàn xã hội.

insights
img

Báo cáo ngành cảng biển 2017

Ngành cảng biển Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển, sản lượng hàng hóa container thông qua hệ thống cảng biển cả nước có tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) trong giai đoạn 2010-2015 là 11,8%/năm, cao hơn mức 5,1% của thế giới, với động lực chính đến từ khối doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, chính sách quy hoạch và hệ thống cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được tiềm năng tăng trưởng của ngành.

Chiến lược hàng hóa IATA

IATA là hiệp hội thương mại đại diện cho khoảng 265 hãng hàng không thương mại trên toàn thế giới, chiếm hơn 83% tổng lưu lượng không lưu. Nhiệm vụ của IATA là đại diện, lãnh đạo và phục vụ ngành hàng không.

img

Ngành vận tải biển phục hồi sau cú sụp đổ của Hanjin

Sau cú sụp đổ bất ngờ của hãng vận tải biển lớn nhất Hàn Quốc Hanjin vào năm ngoái, ngành vận tải biển toàn cầu đang có những dấu hiệu phục hồi.

img
img

Ngành Vận Tải Và Logistics: Hành Trình Đi Tìm Lại Đông Lực Tăng Trưởng -một Góc Nhìn Toàn Diện Của Bcg

Trong báo cáo năm 2016 của mình với chủ đề: “Transportation and Logistics in a Changing World: The Journey Back to Profitable Growth”, Boston Consulting Group (BCG) đã trình bày những phát hiện của họ và thảo luận những nhân tố quan trọng giúp công ty vận tải và logistics có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận cao hơn trong trung và dài hạn.

img

Báo cáo Logistic Việt Nam 2017

Để tận dụng các lợi thế, cơ hội và đưa lĩnh vực logistics trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, đóng góp tích cực vào cải thiện năng lực cạnh tranh chung của toàn nền kinh tế, ngày 14 tháng 2 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 200/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với một lĩnh vực rất quan trọng của nền kinh tế,...

Vận tải biển khởi sắc

Năm 2017, tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam thực hiện ước đạt 130,9 triệu tấn, tăng 6% so với năm 2016...

img
img

Điểm lại 10 sự kiện lớn ngành Giao thông vận tải năm 2017

Nhadautu.vn điểm lại các sự kiện lớn của ngành Giao thông vận tải, có tác động đến đời sống, kinh tế, và xã hội.