notification.jpeg

Chương trình cập nhật kiến thức Kiểm toán viên hành nghề đợt 2 năm 2019

Ngày đăng - 11/06/2019

Theo kế hoạch đào tạo năm 2018-2019, Baker Tilly A&C đã tổ chức thực hiện Chương trình cập nhật kiến thức Kiểm toán viên (KTV) hành nghề đợt 2 từ ngày 29 đến 31/5/2019 tại Văn phòng Công ty, với sự tham gia đông đủ của các KTV hành nghề. 

Chương trình cập nhật Kiểm toán viên (KTV) hành nghề đợt 2 từ ngày 29 đến 31/5/2019 diễn ra tại Văn phòng Công ty (Hồ Chí Minh) và có sự kết nối qua hệ thống đào tạo trực tuyến với các chi nhánh của Công ty tại Hà Nội, Nha Trang và Cần Thơ. Việc thực hiện cập nhật kiến thức KTV hành nghề là quy định bắt buộc của Bộ Tài chính nhằm đảm bảo chất lượng của KTV trong quá trình hành nghề, cũng như là kiểm soát chất lượng của hoạt động kiểm toán tại thị trường Việt Nam.

Các chuyên đề được trình bày trong Chương trình KTV hành nghề lần này bao gồm:

  • Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán: vận dụng phù hợp trong các tình huống thực tế
  • Chuẩn mực kế toán quốc tế -IFRS15 – Revenue from contracts with customers
  • Chuẩn mực kế toán quốc tế:
    • IFRS16 (new version) and  IAS17 – Lease
    • IAS37 – Provision and Contingency
    • IAS23 – Borrowing  Cost
  • Thực hiện soát xét và đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ theo hệ thống CMKiT Việt Nam – Các vấn đề cần lưu ý khi lập kế hoạch kiểm toán và thực hiện kiểm toán (VSA 260, 265, 300, 315, 330, 450)

Chương trình cập nhật kiến thức KTV hành nghề năm 2019 tiếp tục nhận được sự hỗ trợ đào tạo từ các Anh/Chị có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề như Anh Nguyễn Chí Dũng, Anh Lê Minh Tài – Phó TGĐ Công ty, Chị Đỗ Thị Mai Loan – Giám đốc Kiểm toán, Chị Trần Thanh Thảo – Giám đốc Kiểm toán.

Chương trình cập nhật kiến thức KTV hành nghề năm nay được đánh giá là có nhiều điểm mới, nhận được nhiều sự quan tâm và hào hứng trao đổi từ các KTV. Nhất là các nội dung liên quan đến Chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS. Mục tiêu của IFRS là cung cấp một khuôn khổ quốc tế về cách lập và trình bày báo cáo tài chính cho các công ty đại chúng. IFRS tập trung vào các hướng dẫn, diễn giải chung nhất về cách lập báo cáo tài chính hơn là thiết lập các quy tắc lập báo cáo ngành cụ thể. Hiện nay, đã có hơn 100 quốc gia cho phép hoặc yêu cầu áp dụng IFRS cho các công ty đại chúng cùng với nhiều quốc gia khác dự kiến chuyển sang IFRS trong thời gian tới, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, tại Việt Nam báo cáo tài chính của các doanh nghiệp đang được áp dụng theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) được Bộ Tài chính ban hành. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi về thể chế kinh tế trong nước, VAS đã bộc lộ nhiều tồn tại, đặc biệt là những giao dịch của nền kinh tế thị trường mới phát sinh chưa được VAS giải quyết thấu đáo, như việc ghi nhận và đánh giá tài sản, nợ phải trả theo giá trị hợp lý, ghi nhận tổn thất tài sản, việc kế toán các công cụ tài chính phái sinh cho mục đích kinh doanh và phòng ngừa rủi ro,… chưa có hướng dẫn cụ thể. Do vậy, cùng với xu hướng phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng, Bộ Tài chính đã phối hợp với các tổ chức liên quan để đưa ra lộ trình phù hợp để từng bước tiến tới áp dụng hoàn toàn IFRS tại các doanh nghiệp Việt Nam từ nay đến năm 2020. Trong quá trình áp dụng có thể sẽ điều chỉnh để phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Ngoài các KTV hành nghề, chương trình còn có sự tham gia của các KTV và Trợ lý của Khối kiểm toán BCTC, Khối Kiểm toán XDCB và các chuyên viên của Khối tư vấn.

Chương trình cập nhật kiến thức kiểm toán viên là một chương trình thường niên, được A&C chú trọng tổ chức thực hiện theo kế hoạch đăng ký với Bộ Tài chính, nhằm đảm bảo chất lượng đội ngũ thực hiện công việc kiểm toán cho các khách hàng. Kết thúc đợt cập nhật lần 2 năm 2019, các nhân sự tham dự đều đánh giá hiệu quả chương trình là rất tốt, mang nhiều ý nghĩa thiết thực cho công việc./.