Động lực thúc đẩy dòng vốn đầu tư từ Pháp
Chưa thành làn sóng
Nếu nói về con số, khoản vốn đăng ký trên 2,78 tỷ USD của 514 dự án của nhà đầu tư Pháp tại Việt Nam trong suốt 30 năm qua không phải là quá nhỏ. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Pháp hiện đứng thứ 16 - tức là vẫn đứng ở top trên - trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Nhà máy của Schneider Electric - nhà đầu tư Pháp thuộc diện có mặt rất sớm ở Việt Nam. Ảnh: Trung Hiếu
Có điều, đầu tư từ Pháp vào Việt Nam chưa thể trở thành làn sóng. Nhiều dự án đầu tư của Pháp tại Việt Nam hầu hết được thực hiện trong những giai đoạn đầu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chẳng hạn như BNP Paribas, Total, Schneider Electric, hay Alstom Grid, Renault, Technip…
Thời gian gần đây, một số nhà đầu tư Pháp bắt đầu tăng cường đầu tư vào Việt Nam, nhưng con số cũng không quá lớn. Cái tên được nhắc đến nhiều nhất là Auchan với kế hoạch đầu tư 500 triệu USD để mở hệ thống bán lẻ tại Việt Nam. Năm ngoái, Auchan đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển siêu thị Auchan tại Dự án Summer Square của Công ty Gotec Land.
Trước đó, Auchan đã hợp tác với CT Group, với Mipec, với các nhà đầu tư bất động sản khác để mở siêu thị ở Hà Nội, TP.HCM, thậm chí cả Tây Ninh. Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu ban đầu là mở 15 siêu thị ở TP.HCM đến năm 2016, 20 siêu thị ở Hà Nội đến năm 2020, thì con số hiện tại còn khá khiêm tốn.
Một cái tên khác cũng thường được nhắc đến khi nói về đầu tư từ Pháp vào Việt Nam, đó là Schneider Electric. Tháng 4 năm ngoái, nhà đầu tư thuộc diện có mặt rất sớm ở Việt Nam này đã khánh thành nhà máy mới ở TP.HCM. Dự án có vốn đầu tư giai đoạn I là 45 triệu USD, tổng diện tích sản xuất và văn phòng trên 12.000 m2, tọa lạc trên khu đất 26.000 m2. Đây là một trong những nhà máy có quy mô lớn trong hệ thống cung ứng toàn cầu gồm hơn 200 trung tâm sản xuất của Schneider Electric.
Trong khi đó, Sanofi - thương hiệu dược và sản phẩm chăm sóc sức khỏe hàng đầu thế giới - sau hơn 50 năm hoạt động tại Việt Nam đã có 3 nhà máy ở TP.HCM. Năm 2015, Sanofi đã hoàn thành việc xây dựng nhà máy sản xuất thuốc trị giá 75 triệu USD tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Đây là mức đầu tư thuộc diện lớn nhất của Sanofi tại Việt Nam tới thời điểm này. Và năm ngoái, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC tại Đà Nẵng, Sanofi tiếp tục ký kết hợp tác chiến lược với Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinafarm), nhằm thúc đẩy sản xuất thuốc tại nhà máy mới của mình.
Dù những khoản vốn đầu tư mới, những cái tên mới đã được nhắc đến khá nhiều, nhưng vốn đầu tư từ Pháp vào Việt Nam không lớn và chưa thể trở thành làn sóng, giống như kỳ vọng của các nhà lãnh đạo Pháp.
Số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, hai tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư Pháp mới đăng ký đầu tư vào Việt Nam 3,99 triệu USD. Con số của cả năm ngoái là 106 triệu USD, của năm 2016 là hơn 198 triệu USD. Trong khi đó, các năm từ 2012 - 2015, đầu tư từ Pháp vào Việt Nam chưa bao giờ vượt con số 100 triệu USD, thậm chí, năm 2014 chỉ là trên 30 triệu USD. Những con số này còn rất khiêm tốn so với các khoản đầu tư hàng trăm triệu USD, thậm chí là hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư châu Á.
Khơi dòng vốn từ Pháp vào Việt Nam
Vốn từ Pháp vào Việt Nam đã khá khiêm tốn, lại thêm chuyện một số nhà đầu tư thực hiện thoái vốn khỏi Việt Nam, nên con số càng khiêm tốn hơn. Điển hình trong số này có thể nhắc đến thương vụ Tập đoàn Casino bán chuỗi siêu thị BigC cho đại gia Thái Lan. Hay Liên doanh Việt - Pháp chuyên sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) cũng đã bán bớt phần vốn cho Masan Nutri-Science…
Thực tế, chuyện vốn đầu tư từ Pháp vào Việt Nam còn khiêm tốn nằm trong xu hướng đầu tư từ EU vào Việt Nam suốt những năm qua. Dù liên tục khẳng định Việt Nam là địa điểm đầu tư hấp dẫn, song đầu tư từ EU vào Việt Nam vẫn còn hạn chế, nói đúng hơn là chưa xứng với tiềm năng và đạt được kỳ vọng của Việt Nam.
“Tổng kết 30 năm thu hút FDI, chúng ta cần chỉ rõ nguyên nhân vì sao vốn đầu tư từ khu vực EU vào Việt Nam còn chưa đạt kỳ vọng, từ đó có giải pháp để thúc đẩy”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI đã nhiều lần nói như vậy.
Thực tế, các nguyên nhân thường được đưa ra để lý giải vì sao FDI từ châu Âu vào Việt Nam còn khiêm tốn, đó là tính minh bạch trong quan hệ đầu tư, quan hệ kinh tế ở Việt Nam còn hạn chế; còn những tồn tại trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ; hay khả năng hấp thụ nguồn vốn trong lĩnh vực công nghệ cao chưa đạt yêu cầu…
Tuy nhiên, như khẳng định mới đây của Trưởng đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet, việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), dự kiến được ký kết vào cuối năm nay, sẽ là động lực lớn thúc đẩy quan hệ đầu tư, thương mại giữa hai bên, trong đó có Pháp, trong tương lai gần.
Thậm chí, việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng được ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam coi là một “tin tức tuyệt vời”, một “công cụ hữu hiệu nhất” để đẩy mạnh thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam. Dù chưa tham gia CPTPP, song trong bối cảnh thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam, giữa các thành viên CPTPP và Việt Nam được đẩy mạnh, thì dòng đầu tư từ Pháp cũng được kỳ vọng sẽ “nước nổi, thuyền lên”.
Hẳn nhiên, để có được các cam kết đầu tư từ Pháp, cũng như EU, ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng phải tiếp tục có các cam kết về thúc đẩy cải cách kinh tế, đặc biệt trong minh bạch chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…
Nguyên Đức
Nguồn: baodautu.vn