TPHCM trên đường cụ thể hóa giấc mơ Thành phố phía Đông
Thành phố phía Đông đã bước đầu nhận được sự đồng thuận sau nhiều năm đề xuất. Ảnh minh họa: V.Dũng |
Gần 10 năm trước, TPHCM cũng đã từng đưa ra ý tưởng “thành phố trong thành phố” khi đề xuất đến việc tạo cơ chế cho bốn “thành phố” Đông - Tây - Nam - Bắc. Trong đó, mỗi thành phố có một chính quyền đô thị riêng, trực thuộc chính quyền đô thị TPHCM, được thiết kế theo hướng phân cấp mạnh, tăng thẩm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm để tạo một cơ chế phát triển chủ động và độc lập.
Tuy vậy với bối cảnh kinh tế xã hội thời điểm đó thì đề xuất mô hình này chưa thể tương thích với cấu trúc pháp lý của Việt Nam. Vì vậy từ các đề xuất này, giấc mơ “thành phố phía Đông” được chính quyền thành phố ấp ủ trong suốt một thập kỷ qua.
Một thập kỷ tư duy quy hoạch
Trong vai trò là đầu tàu, trung tâm phát triển của khu vực, TPHCM mới đây đã đề xuất thành lập "thành phố phía Đông". Qua đó, xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao tại khu vực phía Đông thành phố, tạo động lực phát triển kinh tế của thành phố trong 10 năm tới. Xác định động lực phát triển cho thời gian tới nên trong một thập kỷ qua sự vận động quy hoạch, hạ tầng của cả khu vực cũng đã được tính toán phù hợp cho mục tiêu này.
Với đề xuất trên, phía đông được định hình là một thành phố khởi nghiệp, công nghệ cao, đặc trưng của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng đã có sẵn gồm có 3 quận gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.
Trong 3 quận nói trên, quận Thủ Đức có hạt nhân là khu đô thị đại học, trong đó có Đại học quốc gia TPHCM và 18 trường đại học khác; quận 9 có khu công nghệ cao là hạt nhân; còn quận 2 có Khu đô thị mới Thủ Thiêm là trung tâm tài chính.
Với lợi thế này KTS Ngô Viết Nam Sơn cho hay, ý tưởng sẽ được nghiên cứu trong những trường đại học, viện nghiên cứu; sau khi nghiên cứu thành công sẽ chuyển qua sản xuất ở khu công nghệ cao và quá trình nghiên cứu và sản suất sẽ được trợ giúp về vốn từ trung tâm tài chính và cuối cùng là sử dụng logistics (cảng Cát Lái) phân phối đi thị trường các nước trên thế giới.
Ông Sơn đánh giá đây là chuỗi sản xuất khép kín tạo nên nguồn công ăn việc làm với thu nhập cao cho người dân. Đây sẽ là một dạng như thung lũng Silicon của Mỹ, nơi sẽ phát triển những trí tuệ nhân tạo, những nguồn lực thông minh nhất, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển của TP.HCM cũng như cả nước trong kỷ nguyên số.
“Nếu mở rộng tầm quy hoạch khu đông và tây, nên nương theo 3 cụm chính gồm cụm trung tâm kinh tế tài chính là Thủ Thiêm phủ qua bờ tây. Cụm đô thị đại học lấy trục là ngã tư Đại học Quốc gia, tính luôn Đại học Sư phạm kỹ thuật Thủ Đức, Khu công nghệ cao TPHCM. Khu này phải quy hoạch trở thành quy mô khu đại học lớn nhất nước, tầm quốc tế. Cụm thứ 3 rất quan trọng là logistics. Phải quy hoạch kết nối khu công nghệ Cát Lái, khu đô thị mới, cảng Cát Lái và không thể tách rời các đường vành đai 1, 2, 3 kết nối với cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu)”, ông Sơn cho hay.
Thực tế, những năm qua, khu Đông TPHCM là khu vực được thành phố đầu tư mạnh nhất về hạ tầng giao thông. Theo thống kê giai đoạn 2010-2020, TPHCM triển khai 216 dự án hạ tầng giao thông, với tổng vốn 350.000 tỷ đồng, 70% trong số này kết nối với khu Đông.
Tất nhiên, khi đã được xem là một “đô thị mới” thì tất cả các công tác quy hoạch của thành phố, trong đó có quy hoạch xây dựng, quy hoạch không gian đô thị cũng phải thực sự mới. Điều này dựa trên những tư duy về đô thị tương lai, xu hướng toàn cầu hóa cùng các nền tảng trí tuệ và thông minh của cuộc cách mạng Công nghiệp. Đây cũng có thể được xem là một trường hợp “đặc biệt” đầu tiên trong hệ thống quy hoạch đô thị Việt Nam.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, thời gian tới, thành phố sẽ xúc tiến, ký kết hợp đồng với các đơn vị tư vấn để cụ thể hóa ý tưởng thành bộ khung pháp lý về quy hoạch. Đồng thời, thành phố sẽ rà soát cơ sở pháp lý hiện nay, xây dựng các quy định mới tạo điều kiện thuận lợi nhất hình thành Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông. Đây là tiền đề cho ra đời Thành phố khu Đông thuộc TPHCM trong tương lai gần.
Mô hình chưa có tiền lệ và những điều cần cân nhắc
Bản thân TPHCM hiện nay, trong nhiều phân tích và nghiên cứu nước ngoài, đã được gọi là metropolis, với nghĩa nguyên gốc là “thành phố mẹ” hay “mẫu đô”, mà trong tiếng Việt vẫn hay dịch là “siêu đô thị” - một khái niệm để chỉ các thành phố có thể chi phối quốc gia, khu vực hay toàn cầu.
Để tạo động lực cho sự phát triển, việc thành lập “Thành phố phía Đông” đã nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Chính phủ, trong buổi làm việc giữa Chính phủ và lãnh đạo TPHCM hồi tháng 5 vừa qua.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, nếu sáp nhập 3 quận này thành Khu đô thị sáng tạo phía Đông, đây sẽ là “quả đấm kinh tế”, dự báo đóng góp đến 30% GRDP của TPHCM (4% GDP cảu cả nước). Đồng nghĩa với việc “Thành phố phía Đông” sẽ đóng góp kinh tế gấp 3 lần so với mức bình quân của toàn thành phố.
Làng Đại học được xem như là một trong 3 hạt nhân chính của thành phố phía Đông trong tương lai. Ảnh minh họa: ĐHQG TPHCM |
Hiện nay, thành phố phía Đông đang được đề xuất dưới quyết tâm chính trị rất cao. Dù vậy, từ khi khởi phát ý tưởng đến khi hiện thực hóa thành một thực thể hành chính vận hành theo đúng chức năng được xác định, chắc chắn có nhiều điều cần cân nhắc.
Ngoài những cái khó về tính pháp lý của mô hình thành phố trong thành phố, còn có những cái khó khác TPHCM phải đối mặt. Trong đó, việc xác định chức năng và tổ chức không gian đô thị, cũng như không gian kinh tế-xã hội như thế nào cho hợp lý là cả một vấn đề.
Theo TS.KTS Trần Minh Tùng, Trường Đại học Xây dựng, khu Đông được gọi là thành phố nhưng việc định danh chính xác thực thể này thực sự khó khăn và gây bối rối. Về bản chất, “thành phố” này chỉ là một “khu đô thị” hay “khu vực phát triển đô thị” thuộc TPHCM?
“Về quy mô, thì đây lại là một khu vực đô thị rất lớn và quan trọng mà chúng ta không thể áp những quy định thông thường như cho vài trăm hecta lãnh thổ để quản lý. Thành phố phía Đông phải được xem là như một thành phố hoàn chỉnh, đầy đủ các thành phần không gian đô thị và hệ thống quản lý hành chính tương ứng - một thành phố con được phát triển tương đối độc lập dựa trên sự hỗ trợ tối đa của thành phố mẹ.” TS.KTS Trần Minh Tùng nhận định.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia về đô thị học cho rằng, tham khảo các thành phố sáng tạo trên thế giới có thể thấy được Chính phủ và các nhà đầu tư xây dựng trên vùng đất mới toanh, theo ý đồ thiết kế trên bản vẽ trước khi viên gạch đầu tiên được đặt xuống. Nó được xác định là thành phố đơn chức năng và toàn bộ thiết kế, xây dựng, vận hành, tổ chức không gian, bộ máy quản lý được định hướng từ trước khi ra đời. Trong khi đó, thành phố phía Đông TPHCM được hình thành trên cơ sở hợp nhất 3 quận 2, 9 và Thủ Đức, nên việc tổ chức không gian rất khó.
Hơn nữa, việc tổ chức lại không gian, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dịch vụ, trung tâm hành chính sao cho thành phố này vận hành đồng bộ theo kiểu “tri thức, thông minh, công nghệ tiên tiến, chất lượng sống cao”, là thách thức không chỉ về tài chính, quỹ đất, còn cả việc tích hợp, dịch chuyển. Chẳng hạn, trung tâm mới của TP nằm ở đâu, làm thế nào cho các khu đào tạo, công nghệ cao có dân cư sống động.
Trên thực tế ở Việt Nam chưa có mô hình thành phố trong thành phố, nhưng nếu có cấu trúc tổ chức hành chính, quan hệ chiều dọc và chiều ngang, công tác quản lý đô thị (hành chính, dân số, kinh tế-tài chính) sẽ như thế nào? Thành phố phía Đông sẽ có cấu trúc như thế nào? Vẫn có thể tham khảo các mô hình thành phố trong tỉnh hay trong vùng kinh tế của các nước để cân nhắc và nó cũng phù hợp với mục tiêu trước đây của TPHCM là có 4 thành phố vệ tinh ở các cửa ngõ TPHCM.
“Vì chưa có trong tiền lệ nên muốn thực hiện điều này, đầu tiên phải thay đổi nhiều bộ luật liên quan như Luật Quản lý Đô thị, Luật Quản lý hành chính Nhà nước, Luật Xây dựng… Nếu chúng ta sửa luật, có cơ sở pháp lý để mô hình này ra đời sẽ làm TPHCM trở thành Vùng đô thị rất năng động, và các thành nhỏ trong đó được phát triển tự do, tự chủ hơn. Sáng tạo, đổi mới là cần thiết để tăng sức cạnh tranh của TPHCM, nhưng cần có những bước đi thích hợp về thời gian, không gian và tâm lý cộng đồng”, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cho hay.
Ủng hộ đề xuất thành lập thành phố phía đông, song KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng lưu ý cần xây dựng một bản quy hoạch hoàn chỉnh, chi tiết cho thành phố mới này. Đề bài quy hoạch cần giải quyết 3 vấn đề cốt lõi gồm Trung tâm đô thị nằm ở đâu? Hệ thống giao thông riêng, giao thông kết nối đô thị như thế nào? Và việc quy hoạch đô thị mới phải là động lực để chỉnh trang khu đô thị hiện hữu.
“Muốn xây dựng một thành phố, phải xác định trung tâm đô thị ở đâu, làm thế nào phát triển khu trung tâm này để làm nền móng vững chắc, đẩy sức bật tới các khu vực lân cận, tránh đầu tư dàn trải, vừa không đủ nguồn lực, vừa kém hiệu quả. Nếu không chuẩn chỉnh có thể sẽ là “ốc đảo” nuôi dưỡng lợi ích bất động sản”, KTS Ngô Viết Nam Sơn lưu ý.
Bản đồ khu đô thị phía Đông TP. HCM (Tài liệu từ Sở Quy hoạch TPHCM) |
Theo V.Dũng_TBKTSG Online