notification.jpeg

Gánh nặng lương tối thiểu khiến doanh nghiệp mệt mỏi

Ngày đăng - 27/07/2018

Thùy Dung

(TBKTSG Online) -  Đa số các doanh nghiệp kiến nghị không tăng lương hoặc tăng ở mức hợp lý để hỗ trợ các ngành công nghiệp trong nước phát triển trongg khi đại diện người lao động lại muốn tăng lương tối thiểu vùng năm tới là 8%.

Kết thúc phiên họp tiền lương lần thứ 2, vẫn chưa có phương án cuối cùng được đưa ra - Ảnh: TD

Kết thúc phiên họp lần thứ 2 của Hội đồng Tiền lương quốc gia bàn về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 diễn ra ngày 26-7 tại Hà Nội, bà Tống Thị Minh, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, trong phiên thứ hai, các bên đã thảo luận để làm rõ các số liệu, căn cứ để xác định mức sống tối thiểu. Đây sẽ là cơ sở để thảo luận, đàm phán, thương lượng mức tăng lương năm 2019. Tuy nhiên, đại điện các bên đều chưa tìm được tiến nói chung.

Kết thúc phiên họp thứ hai, Tổng Liên đoàn Lao động vẫn giữ nguyên quan điểm tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 phải ở mức 8%. Đại diện giới chủ cũng đồng ý sẽ tăng lương nhưng chưa đưa ra phương án cụ thể.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động, một trong những vấn đề lớn đang gây nhiều tranh cãi trong phiên họp thứ hai là cách xác định mức sống tối thiểu. Trong đó, Tổng Liên đoàn Lao động đang quan tâm tới rổ hàng hóa để đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động.

Trước đây, rổ hàng hoá này là 724.000 đồng nhưng nay xác định là 660.000 đồng trong khi giá cả đều tăng. Tỷ lệ lương thực thực phẩm trong mức sống chung nên là 45%, còn lại 55% là phi lương thực thực phẩm như vui chơi, giải trí... Trong khi tính toán tỷ lệ này là 48% và 52%.

Do đó, Tổng Liên đoàn Lao động vẫn giữ phương án tăng lương năm 2019 phải ở mức 8% căn cứ theo tình hình tăng trưởng kinh tế, xu hướng phát triển kinh tế, kinh doanh phát triển, nhiều doanh nghiệp, dự án đầu tư mới.

Tuy nhiên, tại một cuộc họp mới đây diễn ra ngày 18-7, ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay: “Chúng ta đã tăng trong thời gian khá dài và tăng ở mức cao".

Ngoài ra, tăng lương tối thiểu của Việt Nam gắn liền với một số trách nhiệm, chức năng khác trong khi trên thế giới những trách nhiệm này không liên quan tới lương tối thiểu.

Ví dụ như tăng lương tối thiểu làm tăng các khoản đóng BHXH, kinh phí công đoàn tăng theo. “Doanh nghiệp rất mệt mỏi về vấn đề này”, ông Cẩm nói.

Do đó, Vitas không nên tăng lương tối thiểu trong năm nay để doanh nghiệp có cơ hội nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời Vitas cũng kiến nghị sắp tới phải sửa đổi Nghị định 49 quy định lấy lương tối thiểu làm căn cứ xây dựng mức lương bậc một trong hệ thống thang bảng lương.

Hy vọng Nhà nước thấy rằng mức lương tối thiểu không phải để tăng lương cho người lao động mà cái chính là làm tăng các khoản đóng góp công đoàn và bảo hiểm xã hội. Người lao động chỉ được hưởng lợi rất nhỏ, chưa nói tới mỗi lần tăng lương là giá cả tăng theo.

Không chỉ Vitas, trong công văn gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã Hội mới đây, ông Koji Ito, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho hay, tương lai của ngành công nghiệp may, giày dép và ngành sản xuất chế tạo công nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn về chi phí lao động.

Đại diện JCCI cũng đưa ra dẫn chứng về phiếu điều tra dành cho đối tượng doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Châu Á. Theo đó, có tới 75,2 % doanh nghiệp tại Việt Nam cho rằng tăng lương gây ảnh hưởng đến kinh tế. Mức lương tối thiểu hiện nay ở Việt Nam được coi là thách thức kinh doanh lớn nhất. Điều này có nguy cơ khiến doanh nghiệp cắt giảm lao động trong tương lai.

Do đó, JCCI khuyến nghị hạn chế sự gia tăng của lương tối thiểu năm 2019 nhằm phục vụ phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cấp nền móng công nghiệp.

Nguồn: thesaigontimes.vn