notification.jpeg

Hạt gạo có thể mang về cho Việt Nam hơn 3 tỷ USD trong năm nay

Ngày đăng - 22/11/2018

Nghị định 107/2018/NĐ-CP ra đời đã "cởi trói" cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Không chỉ sản lượng mà chất lượng hạt gạo cũng được nâng cao khi doanh nghiệp ngày càng quan tâm xây dựng thương hiệu cho gạo Việt.

Tăng cả lượng và giá trị

Xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay có nhiều thuận lợi. Đại diện Bộ Công Thương cho biết, 9 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt 2,6 tỷ USD, tăng 16,1% (lượng tăng 3,4%) so với cùng kỳ năm trước.

Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh là Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Malaysia. Ảnh Vũ Sinh/TTXVN.

Gạo Việt hiện đã có mặt ở gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ với các sản phẩm khá đa dạng như: Gạo hạt dài, gạo hạt ngắn, gạo thơm, gạo đồ, gạo hữu cơ… Đáng chú ý, gạo Việt bước đầu thâm nhập được vào những thị trường có yêu cầu cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU…

Trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho biết, đang có tín hiệu nhập khẩu của Indonesia, Philippines. Trong đó, Philippines có khả năng nhập khẩu với lượng lớn thông qua cả đấu thầu mở quốc tế và hợp đồng Chính phủ.

Với các thị trường truyền thống, thì thị trường Cuba còn hợp đồng 200.000 tấn đã ký sẽ giao trong năm nay. Ngoài ra, thị trường Hàn Quốc có thể tiếp tục mở thầu.

Một trong những doanh nghiệp (DN) đang chú trọng đầu tư vào xuất khẩu gạo là Tổng Công ty Thương mại Hà Nội – Công ty cổ phần (Hapro) đã xuất khẩu đạt gần 18 triệu USD trong 9 tháng đầu năm (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017). Hiện DN này đã đầu tư Nhà máy xay xát gạo tại tỉnh Đồng Tháp đạt 50.000 tấn/năm và sẽ xây dựng thêm một nhà máy chế biến gạo công suất 100 nghìn tấn/năm tại đồng bằng sông Cửu Long... Mặt khác, để nắm bắt xu thế thị trường, DN đã chủ động tham gia các hội chợ lớn trên thế giới.

Điển hình là tại Hội chợ nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc (CIIE 2018) hồi đầu tháng 11, gian hàng của Hapro trong đó có gạo đã được rất nhiều khách quan tâm. Giống gạo thơm ST21 rất được ưa chuộng trên thị trường Trung Quốc.

Những khởi sắc của ngành xuất khẩu gạo có một sự đóng góp không nhỏ của những cải cách thể chế. Sau nhiều lần DN kiến nghị sửa đổi các quy định là "rào cản" về xuất khẩu gạo, Nghị định 107/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/10/2018 được coi là một bước đột phá trong thể chế, chính sách liên quan đến hoạt động xuất khẩu gạo, tháo gỡ những khó khăn và tạo môi trường thông thoáng cho DN phát triển.

Điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo được điều chỉnh theo hướng thông thoáng. Theo đó, không bắt buộc thương nhân kinh doanh sở hữu kho chứa thóc gạo, cơ sở xay xát, chế biến thóc gạo, mà có thể thuê để đáp ứng điều kiện kinh doanh; bãi bỏ quy định bắt buộc thương nhân phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam; bỏ quy định thương nhân phải có lượng gạo tồn kho tối thiểu tương đương 50% lượng gạo trong hợp đồng đăng ký...

Ông Phạm Thái Bình, TGĐ Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho biết, các DN rất phấn khởi với những điểm mới của Nghị định 107.

"Từ thực tế này, các DN sẽ chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng chế biến, tuân thủ văn hóa kinh doanh là không hạ giá thấp khi tham gia các phiên đấu thầu gạo ở nước ngoài...", ông Phạm Thái Bình cho hay.

Với những điều kiện thuận lợi như vậy, Bộ Công Thương dự tính, xuất khẩu gạo cả năm nay có thể đạt 6,15 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,15 tỷ USD, tăng 5,7% về lượng và 19,6% về giá trị so với năm 2017.

Cần khẳng định thương hiệu gạo Việt

Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, đại diện Hapro cho biết: Không chỉ xuất thô mà DN đang quan tâm xây dựng thương hiệu cho hạt gạo và đưa sản phẩm vào các kênh bán lẻ nước ngoài.

"Mục tiêu của chúng tôi là phát triển các mặt hàng chế biến thành phẩm, đóng gói bao bì mang thương hiệu Hapro để đưa trực tiếp vào một số chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại, đại siêu thị tại nước ngoài. Đơn cử như mặt hàng gạo, bên cạnh việc tiếp tục xuất khẩu các lô gạo đóng bao 50kg như trước đây, hiện nay gạo được đóng bao thành các túi có trọng lượng 5kg và 10kg, bán trực tiếp tại các hệ thống bán lẻ ở nước ngoài", đại diện DN cho biết.

Được biết, tháng 6/2018, gạo Hapro Đồng Tháp đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp code (mã) xuất khẩu gạo vào thị trường Mỹ (FDA) và ngay sau đó, Hapro đã xuất khẩu thành công lô hàng gạo đầu tiên với 750 tấn vào thị trường này.

Chia sẻ tại Hội nghị gạo quốc tế tổ chức mới đây tại Việt Nam, ông Seang Dara – Giám đốc Công ty First Packaging Partner (Campuchia) cho biết: So với Việt Nam, mặt hàng gạo của Campuchia mới nổi gần đây. Sản lượng xuất khẩu còn khiêm tốn với 500.000 tấn năm 2017 nhưng lại thâm nhập được vào thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

"Có được thành công này là nhờ Campuchia biết cách làm thương hiệu, chọn một vài dòng sản phẩm chất lượng cao để tập trung sản xuất chứ không làm đại trà. Ngoài ra, việc đầu tư cho bao bì, thiết kế mẫu mã sản phẩm cũng rất quan trọng. Tại nhiều quốc gia, mặt hàng gạo đôi khi không bằng gạo Việt Nam nhưng giá của họ luôn cao gấp đôi do bao bì đẹp, ấn tượng và thân thiện hơn. Theo tôi, DN Việt Nam nên quan tâm, đầu tư cho bao bì sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường gạo thế giới", đại diện DN gạo Campuchia chia sẻ.

Thực tế, nhiều DN Việt Nam đã quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên có một khó khăn là về nguồn vốn. DN kiến nghị, nhà nước cần hỗ trợ DN xuất khẩu về vốn vay ưu đãi để đầu tư công nghệ, bảo vệ DN trước sự cạnh tranh không lành mạnh…

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách, gần đây, xuất thô lợi nhuận thấp nên nhiều DN đã chuyển sang làm gạo hữu cơ, gạo sạch theo yêu cầu khách hàng, phối hợp với nhà sản xuất nước ngoài. Từ đó, bắt đầu hình thành một số thương hiệu gạo Việt Nam, dù quy mô còn nhỏ nhưng chất lượng đang được khẳng định.

"Có hai xu hướng xây dựng thương hiệu. Thứ nhất là một số DN Việt Nam phối hợp với DN lớn trên thế giới để xây dựng thương hiệu ở thị trường nước ngoài. Hai là DN xây dựng thương hiệu trên thị trường nội địa. Theo tôi, đây là bước tiến trong tương lai vì chúng ta không thể duy trì mô hình như trước đây. Để định vị thương hiệu gạo Việt Nam, ta phải dựa vào chất lượng, sự ổn định từ sản xuất đến đóng gói xuất khẩu", ông Thành cho hay.

Nguồn: thoidai.com.vn