notification.jpeg

Hóc búa bài toán đầu tư tài chính hay thâu tóm

Ngày đăng - 13/01/2018

 

Thị trường mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) Việt Nam vẫn đang bùng nổ, mang lại nhiều cơ hội cho cả người mua lẫn người bán. Nhưng câu hỏi đặt ra là, nên bỏ tiền thâu tóm doanh nghiệp để nắm quyền điều hành hay chỉ đầu tư tài chính? Một câu hỏi không dễ trả lời, nhất là với các doanh nghiệp gia đình.

Thương vụ đình đám vào cuối năm 2017, khi công ty bia của Thái Lan (Thai Beverage - Thai Bev) chi 4,8 tỷ USD để mua 53,59% cổ phần của Sabeco, có thể nói đã đánh dấu một năm bùng nổ của thị trường M&A Việt Nam.

Con số chính thức cuối cùng chưa được công bố, song một điều chắc chắn là, kỷ lục được xác lập cách đây 5 năm là gần 5 tỷ USD đã bị “xô đổ”. Chỉ riêng con số mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống kê được đối với các khoản đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài đã lên tới 6,19 tỷ USD. Chưa kể, còn hàng tỷ USD các khoản mua cổ phần thông qua sàn chứng khoán.

Ông Trần Trọng Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FBL ngồi vị trí CEO.

Ông Trần Trọng Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FBL ngồi vị trí CEO.

Một xu hướng khá rõ ràng là, bên cạnh các “ông lớn” chi bộn tiền để thâu tóm các doanh nghiệp khác và nắm quyền điều hành, thì không ít doanh nghiệp chỉ xác định bỏ vốn để đầu tư tài chính. Chẳng hạn, Thai Bev đã dốc tới 4,8 tỷ USD để mua Sabeco, hay Thế giới Di động cũng đã chi 850 tỷ đồng để thâu tóm Trần Anh - cũng là một “con cá to” trên thị trường bán lẻ đồ công nghệ, điện tử, nhằm chiếm lĩnh thị trường.

Trong khi đó, Dragon Capital và VinaCapital lại chỉ bỏ tiền để mua 30% cổ phần của FPT Retail, và xác định đây chỉ là một khoản đầu tư tài chính, không tham gia điều hành mà chỉ hưởng lợi từ “con gà đẻ trứng vàng” một thời của FPT. Hiện tại, FPT Retail cũng không còn là công ty con của FPT nữa, mà chỉ là công ty liên kết, sau khi FPT quyết định thoái thêm vốn ở công ty này.

Cũng khó có thể đưa ra được một câu trả lời chính xác rằng, thâu tóm hay đầu tư tài chính có lợi hơn, bởi điều này phụ thuộc vào chiến lược của từng công ty. Thai Bev đương nhiên muốn nhòm ngó thị trường bia Việt đầy tiềm năng và cả “ông lớn” Sabeco. Trong khi Dragon Capital và VinaCapital chỉ là những nhà đầu tư tài chính, dễ hiểu vì sao họ chỉ dốc vốn mà không cần tham gia điều hành doanh nghiệp.

Nhưng giả sử là một doanh nghiệp gia đình hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng may mặc, điện tử, thuộc quyền sở hữu 100% của các thành viên trong gia đình thì sao. Từ thập niên 90 của thế kỷ trước, doanh nghiệp này đã trực tiếp nhập khẩu tivi và các loại đầu kỹ thuật số từ Trung Quốc để phân phối cho thị trường nội địa và xuất khẩu hàng may mặc từ Việt Nam sang EU. Sau 20 năm phát triển thành công, doanh nghiệp đã tích luỹ được một lượng vốn tương đối lớn. Mong muốn sử dụng hiệu quả tối đa nguồn vốn để kinh doanh, các thành viên HĐQT đã thống nhất sẽ ngừng chia cổ tức để tái đầu  tư phát triển kinh doanh.

Mặc dù đã nhất trí cao về việc tái đầu tư kinh doanh, nhưng giữa CEO và các thành viên khác trong HĐQT lại trái ngược quan điểm về chiến lược đầu tư. CEO, sau khi nghiên cứu thị trường, tham khảo mô hình đầu tư của một số đơn vị trong nước và quốc tế, đã đề xuất doanh nghiệp sẽ tập trung nguồn vốn, nghiên cứu và lựa chọn mua một số doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc có tiềm năng theo hình thức M&A.

Tuy nhiên, đề xuất này đã bị các thành viên HĐQT phản đối. Họ cho rằng, doanh nghiệp chỉ nên đầu tư tài chính, mua cổ phần của một số doanh nghiệp tiềm năng để chia trứng vào nhiều giỏ. Phương pháp này sẽ giúp nguồn vốn an toàn hơn, có thể rút ra một cách linh hoạt.

Cuộc tranh luận giữa hai bên tưởng chừng không có hồi hết, khi mà mỗi bên đều bảo vệ quan điểm của mình và đều có lý. Quyết định theo hướng nào là câu chuyện không đơn giản trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt và M&A thì rất sôi động.

Để góp phần giải bài toán này, Chương trình CEO - Chìa khóa thành công kỳ này, với chủ đề “Doanh  nghiệp gia đình - Đầu tư tài chính hay thâu tóm”, đã quyết định lấy trường hợp của doanh nghiệp gia đình nói trên làm tình huống để CEO xử lý.

Người chơi ngồi ở vị trí CEO kỳ này là ông Trần Trọng Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FBL. Ông Hùng cũng chính là nhân vật xuất hiện trên chuyên mục Chân dung doanh nhân trên Báo Đầu tư kỳ này.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của Novaland, PwC Việt Nam và Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam (VEFC).

Nhã Nam

Nguồn: baodautu.vn