notification.jpeg

Môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2018 sẽ cải thiện những điểm mấu chốt gì?

Ngày đăng - 29/01/2018

Môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2018 sẽ cải thiện những điểm mấu chốt gì? Chi phí kinh doanh sẽ được cắt giảm ở những thủ tục nào, bắt đầu từ khi nào, thực hiện ra sao? Thứ hạng 68/190 trong Bảng xếp hạng Doing Business 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB) có thể cải thiện tiếp sau 14 bậc thăng hạng năm qua? Có thể xác định mục tiêu môi trường kinh doanh Việt Nam đứng ở vị trí 50-60/190 hay không?...

Giới kinh doanh đang đặt ra khá nhiều câu hỏi trong khi chờ đợi phiên bản tiếp theo của Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục soạn thảo. Đây cũng là trách nhiệm của những chuyên gia nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự thảo nghị quyết nêu trên.

Cho tới thời điểm này, mục tiêu rõ nhất có thể đong đếm được là yêu cầu cắt giảm 1/3 - 1/2 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành trong quý III/2018; giảm ít nhất 50% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành trong quý IV/2018...

.

Môi trường kinh doanh Việt Nam đang cần thêm áp lực, kỷ luật hành chính và mục tiêu rõ ràng từ phiên bản của nghị quyết tiếp theo.

Đây cũng là những phần việc đã có trong các nghị quyết của năm 2017, sẽ tiếp tục phải làm. Trong khi đó, nhìn vào những phần chưa làm được trong các kế hoạch đưa môi trường kinh doanh Việt Nam vào top 4 ASEAN trong Bảng xếp hạng Doing Business của WB, thì khoảng cách vẫn còn khá xa.

Minh chứng là thứ hạng về khởi sự kinh doanh của Việt Nam vẫn ở mức dưới trung bình, xếp 123/190 nền kinh tế được WB xếp hạng. Các tiêu chí về giải quyết tranh chấp hợp đồng, giải quyết phá sản đều ở mức thấp khá xa so với Singapore, Malaysia, Thái Lan... Giao dịch thương mại qua biên giới mới được ghi nhận cải thiện về thủ tục hải quan, những cải cách về quản lý chuyên ngành chậm và chưa đồng đều đã khiến mức độ cải thiện chỉ số này hạn chế. Đáng chú ý, 10 năm liên tục, WB không ghi nhận cải cách nào của Việt Nam về đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản... Chưa kể áp lực về chi phí kinh doanh, như chi phí logistics, các quy định liên quan đến giá BOT... vẫn đang gây sức ép lớn lên các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong khi đó, những phần việc sẽ phải làm để cải thiện các tiêu chí này đang rất lớn. Chỉ riêng lĩnh vực liên quan đến quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã có hơn 400 văn bản cần phải rà soát, xem xét sửa đổi.

Nhiều kế hoạch cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính của các bộ, như Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường... mới dừng lại ở các đề xuất, chưa có phương án cụ thể. Những lúng túng trong phân biệt giữa điều kiện kinh doanh với các ngành nghề, quản lý chuyên ngành với sản phẩm, hàng hóa vẫn còn. Nhiều bộ, ngành vẫn đưa các quy định về điều kiện chung, thuộc quản lý của cơ quan khác, như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, yêu cầu về phòng cháy chữa cháy... vào các quy định thuộc phạm vi do mình quản lý.

Cho tới thời điểm này, sau Bộ Công thương đã hoàn tất nhiệm vụ khi Thủ tướng ký ban hành Nghị định 08/2018/NĐ-CP, mới chỉ có Bộ Xây dựng đã trình được Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư - kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ này...

Có lẽ phải nhắc lại kinh nghiệm của 4 phiên bản Nghị quyết 19 trước đó, từ năm 2014 đến 2017. Sự thành công của từng nghị quyết nói riêng và sự thăng hạng của môi trường kinh doanh Việt Nam, năng lực cạnh tranh Việt Nam nói chung chỉ đạt được khi các tiêu chí cải cách được lượng hóa, các yêu cầu sửa đổi, cắt giảm thủ tục, điều kiện được gọi tên cụ thể, kèm theo đó là cơ chế giám sát chặt chẽ, kỷ luật hành chính nghiêm khắc.

Những bước cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2017 là điển hình của cách làm này. Đặc biệt là sự vào cuộc của Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng... vốn là những cái tên đã từng có mặt trong danh sách không nhiệt tình với cải thiện môi trường kinh doanh trong các báo cáo thực hiện Nghị quyết 19 những năm trước đó.

Nhưng trong báo cáo thực hiện Nghị quyết 19-2017, nhiều cái tên cũng đã được nhắc tới trong phần chưa đạt kế hoạch. Chính vì vậy, môi trường kinh doanh Việt Nam đang cần thêm áp lực, kỷ luật hành chính và mục tiêu rõ ràng từ phiên bản của nghị quyết tiếp theo.

Bảo Duy

Nguồn: baodautu.vn