Ngành mía đường lao đao
Chưa bao giờ các nhà máy đường (NMĐ) rơi vào cảnh khó khăn như hiện nay... ĐBSCL từ chỗ có 10 NMĐ trải dài từ Long An đến Cà Mau, nhưng hiện đã có 3 nhà máy đóng cửa, phá sản do thua lỗ và không cạnh tranh được; nhiều nhà máy đang bán đường bằng hoặc thấp hơn giá thành sản xuất.
Đường lậu tung hoành, đường tồn kho chồng chất, các nhà máy đường đang cầu cứu Chính phủ can thiệp!
Cần cuộc “cách mạng” về giống mía
Tính đến đầu tháng 6-2018, đã có 18/37 NMĐ của cả nước kết thúc niên vụ sản xuất. Các NMĐ cả nước đã ép được 13,5 triệu tấn mía, sản xuất gần 1,3 triệu tấn đường. Giá mía phổ biến 850.000 đồng/tấn với chữ đường đạt 10 CSS tại ruộng. Riêng miền Bắc và Bắc Trung bộ trên 1 triệu đồng/tấn. Giá đường liên tục giảm từ đầu vụ đến nay. Đến tháng 6, giá đường tiếp tục giảm 2.000 - 2.900 đồng/kg so với đầu vụ. Các nhà máy bán đường gần sát với giá đường lậu Thái Lan. Lượng đường tồn kho 670.000 tấn, tăng gần 200.000 tấn so với cách đây 2 tháng.
Một trong những điểm đặc biệt của các NMĐ trong vùng ĐBSCL mà không nơi nào có được đó là: Sông ngòi chằng chịt và thuận lợi cho việc vận chuyển mía nên từ lâu đã hình thành vùng mía nguyên liệu chung, thời gian xuống giống và thu hoạch mía của các địa phương không giống nhau, nên các NMĐ có điều kiện mía nguyên liệu để có thể sản xuất liên tục với khoảng thời gian kéo dài trong năm (từ 5 - 7 tháng /vụ).
Những năm gần đây, công tác chuyển đổi giống mía có chất lượng cao được nông dân tích cực thực hiện, đặc biệt là giống ROC16, năng suất mía có nơi đạt bình quân trên 100 tấn/ha với chữ đường đạt trên 11 CCS. Đặc biệt, nhiều nông dân ở Hậu Giang trồng mía với năng suất mía đạt trên 200 tấn/ha với chữ đường đạt 11 CCS.
Với hàng loạt giải pháp năng suất mía bình quân của ĐBSCL từ 50-60 tấn/ha thì giờ đã đạt 90 tấn/ha và chất lượng mía từ mức 8,0 CCS nay đã đạt mức bình quân 10 CCS. Tuy đã nâng được chất lượng cây mía lên nhưng với mức 10 CCS là vẫn còn thấp hơn so với các khu vực khác trong nước và thấp nhiều so với các nước sản xuất mía đường tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Theo ông Phạm Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO): Cần thực hiện cuộc “cách mạng” về giống mía và kỹ thuật canh tác để khai thác lợi thế của ĐBSCL là nắng nhiều, đất đai phù sa màu mỡ và nước tưới dồi dào, để chọn ra được các giống mía có năng suất cao, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng phù hợp với từng vùng nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025 đưa năng suất mía bình quân ≥ 100 tấn/ha và CCS bình quân đạt ≥ 12 CCS. Các công ty đường cần phối hợp với các cấp chính quyền và nông dân trồng mía tổ chức lại giao thông nội đồng để giúp tưới tiêu, thoát nước tốt và giúp cho việc thu hoạch, vận chuyển mía được thuận lợi, từ đó giúp giảm chi phí thu hoạch - vận chuyển mía. Do chưa có máy thu hoạch phù hợp với nền đất yếu ta cần từng bước nghiên cứu chế tạo để có thể cơ giới hóa khâu làm đất, đào hộc, chăm sóc mía trong điều kiện nền đất yếu của ĐBSCL.
Đau đầu vì đường lậu thành hàng Việt Nam
Hiện các NMĐ trong nước đang đau đầu với đường buôn lậu. Theo một số NMĐ phản ánh: Từ sau khi phá thành công chuyên án tỷ đường (An Giang), tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại lại diễn biến phức tạp, tinh vi hơn, gần như công khai và gia tăng hơn ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đường lậu không chỉ có nguồn gốc từ Thái Lan hoạt động ở biên giới Tây Nam, mà đã có cả đường tạm nhập tái xuất…
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nguyên nhân tồn kho do đường lậu, gian lận thương mại và hàng giả không giảm so với năm ngoái. Thậm chí có xu hướng gia tăng, công khai thách thức cơ quan chức năng. Việc nhập khẩu các loại đường khác thay thế đường mía để làm nguyên liệu công nghiệp chế biến thực phẩm nhất là nước giải khát đang có xu hướng gia tăng.
Cụ thể các NMĐ rất bức xúc về tình trạng hàng giả và gian lận thương mại mặt hàng đường vi phạm quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP (ngày 14-4-2017) về nhãn hàng hóa đang diễn ra công khai, dưới nhiều hình thức. Nổi lên là tình trạng đường nhập lậu thường được gỡ bỏ bao bì của nước sản xuất, sau đó sử dụng bao bì, nhãn mác hoặc in theo mẫu bao bì nhãn mác của các nhà máy/công ty đường trong nước. Điều khó hiểu đối với các NMĐ là cơ quan có thẩm quyền tại một số địa phương cấp phép hoạt động đối với doanh nghiệp, tổ chức được “sản xuất, chế biến, kinh doanh” mặt hàng đường, thường đóng bao 1kg hoặc 50kg, ghi nhãn mác không rõ ràng như: Về chất lượng, thường ghi đường mía Việt Nam chất lượng cao, đường luyện xuất khẩu, hàng cát và in nhãn thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao; về nơi sản xuất, ngày sản xuất thường ghi tại các NMĐ Việt Nam, không ghi ngày sản xuất…
Trước vấn nạn “hợp thức hóa đường lậu thành đường Việt Nam” từ các cơ sở chế biến, Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị: Cục Phòng vệ thương mại điều tra và có biện pháp phòng vệ đối với đường lòng (HFCS) nhập khẩu vào Việt Nam. Cục Quản lý thị trường, Tổ công tác đặc biệt 334 tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng đường. Đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) thực hiện các biện pháp quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng đường, nhất là biên giới các tỉnh phía Nam. Các NMĐ đang mong chờ các giải pháp can thiệp để hỗ trợ ngành đường trong nước. Vì nhiều kiến nghị của họ đã phát đi từ năm ngoái nhưng đến nay chưa có phản hồi. Bản thân các NMĐ và nông dân đang nỗ lực để cải thiện các quy trình sản xuất để tăng tính cạnh tranh. Nhưng nếu không có giải pháp căn cơ can thiệp hỗ trợ - nhất là ngăn chặn đường lậu và nạn “sang chiết” hợp thức hóa đường lậu, nguy cơ phải “giải cứu” 300.000ha mía, 33.000 hộ nông dân và 1,5 triệu lao động ngành mía đường là rất gần!
Nông dân đòi nợ công ty mía đường Sóc Trăng
Những ngày vừa qua, hàng chục hộ nông dân trồng mía ở huyện Cù Lao Dung đã kéo đến UBND huyện phản ánh việc Công ty CP Mía đường Sóc Trăng nợ tiền mua mía không trả, sau đó kéo đến trụ sở công ty… đòi nợ. Trước tình hình này, Công ty Mía đường Sóc Trăng đã mở cuộc đối thoại trực tiếp với bà con.
Tại buổi đối thoại, ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã phát biểu những khó khăn bức xúc của bà con, đồng thời đề nghị Công ty Mía đường Sóc Trăng khắc phục khó khăn, giải quyết dứt điểm tiền nợ người dân. Theo ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Công ty Mía đường Sóc Trăng, hiện công ty đang thiếu tiền mía nguyên liệu đầu khoảng 100 tỷ đồng, công ty cam kết sẽ trả dứt điểm tiền nợ bà con trong tháng 7 tới.
(SGGP)
Nguồn: giacavattu.com.vn