Covid-19: Khó viện dẫn bất khả kháng để thoái thác nghĩa vụ pháp lý

Ngày đăng - 04/05/2020

 

Một chủ doanh nghiệp Trung Quốc nhận được giấy chứng nhận sự kiện bất khả kháng liên quan đến dịch Covid-19. Ảnh: Sipa

Covid-19 làm “nóng” điều khoản bất khả kháng

Các sự kiện bất khả kháng (force majeure) hay còn gọi là “hành động của Chúa” (Act of God) thường được in với cỡ chữ nhỏ trong các hợp đồng thương mại và rất ít khi được viện dẫn trong các vụ kiện. Điều khoản bất khả kháng được hiểu là một sự kiện, một tác động không thể dự báo cũng như không thể kiểm soát, cho phép một bên chấm dứt hoặc tạm ngưng các nghĩa vụ đã giao ước trong hợp đồng.

Trước đây, thuật ngữ này thường ám chỉ đến thiên tai, như động đất, lũ lụt. Nhưng theo các định nghĩa rộng hiện nay, các sự kiện bất khả kháng cũng có thể là khủng bố, chiến tranh, sự bất ổn xã hội hoặc các quy định can thiệp của chính phủ chẳng hạn như lệnh phong tỏa đi lại trong cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 hiện nay. Điều này tùy thuộc vào nội dụng cụ thể của điều khoản bất khả kháng được ghi trong hợp đồng.

Trong những tuần gần đây, điều khoản bất khả kháng được các công ty lớn lẫn nhỏ viện dẫn trong các vụ kiện tranh chấp hợp đồng trên khắp nước Mỹ và thế giới.

Giới luật sự nhận định cuộc khủng hoảng Covid-19 đang tạo ra sự chú ý đối với điều khoản bất khả kháng và kiểm nghiệm tính ràng buộc của các hợp đồng hơn bất cứ sự kiện nào khác trước đây. Một làn sóng đơn kiện liên quan đến dịch Covid-19 dự kiến sẽ ập đến trong những tháng tới.

“Những gì chúng ta đang chứng kiến là một sự kiện bất khả kháng chưa có tiền lệ trên toàn quốc”, David Marmins, luật sư tư vấn khiếu kiện bất động sản ở Atlanta, bang Georgia, nhận định khi nói về dịch Covid-19.

Các hợp đồng trình diễn trực tiếp hiện nay thường gồm các điều khoản bất khả kháng liên quan đến dịch bệnh sau khi các nhà tổ chức sự kiện rút ra bài học từ các dịch bệnh trước đó, bao gồm dịch SARS (gây hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng) vào năm 2003, khiến họ phải hủy bỏ các sự kiện hòa nhạc và chịu thiệt hại nặng nề vì các chi phí thuê mặt bằng, trang thiết bị phục vụ buổi biểu diễn không được miễn trừ.

Trong các dạng hợp đồng khác, điều khoản bất khả kháng thường ở dạng soạn sẵn theo mẫu và không đề cập đến thảm họa mang tính toàn cầu như dịch Covid-19.

Không dễ viện dẫn dịch bệnh để thoái thác nghĩa vụ

Song đại dịch Covid-19 không cung cấp lối thoát chắc chắn cho các công ty muốn từ bỏ các nghĩa vụ pháp lý đã được nêu trong hợp đồng.

Tại bang California, hôm 30-3, Công ty phát triển bất động sản bán lẻ Pacific Collective viện dẫn điều khoản bất khả kháng để yêu cầu lùi ngày thực hiện hợp đồng mua một lô đất 48,5 héc ta ở TP. Culver thuộc sở hữu của Tập đoàn dầu khí Exxon Mobil với giá 4,2 triệu đô la Mỹ. Ba ngày sau đó, Exxon Mobil ra thông báo không đồng ý và tuyên bố hủy hợp đồng đồng thời giữ lại số tiền đặt cọc 120.000 đô la.

Doanh nghiệp khó vin vào Covid-19 như là sự kiện bất khả kháng “xé bỏ” hợp đồng. Ảnh: lclawyers

Pacific Collective đã phản ứng bằng cách đâm đơn kiện Exxon Mobil vi phạm hợp đồng. Theo nội dung đơn kiện nộp ở tòa án thượng thẩm hạt Los Angeles hồi đầu tháng 4, Pacific Collective lập luân rằng lệnh yêu cầu người dân ở nhà của chính quyền bang California khiến công ty này không thể ngay lập tức triển khai các công nhân, kỹ sư xây dựng và các nhân sự khác phát triển bất động sản trên lô đất này.

Pacific Collective cũng cho rằng nếu thực hiện hợp đồng theo đúng hạn vào ngày 31-3, điều này có thể có thể gây ra rủi ro tính mạng và có thể khiến công ty này bị truy tố hình sự.
Trên cơ sở đó, Pacific Collective cáo buộc Exxon Mobil vi phạm điều khoản bất khả kháng vì không cho phép dời ngày thực hiện hợp đồng từ ngày 31-3 đến ngày 1-5. Pacific Collective yêu cầu Exxon Mobil phải bồi thường 7,9 triệu đô la đồng thời đề nghị tòa ra lệnh cấm Exxon Mobil bán lô đất nói trên cho các bên khác.

Trước đó, Exxon Mobil giải thích rằng Pacific Collective yêu cầu tạm dừng hợp đồng do công ty này không được vay vốn và mất khách hàng thuê mặt bằng và đây là các sự kiện nằm ngoài điều khoản bất khả kháng.

Exxon Mobil cũng chỉ ra rằng các công ty xây dựng và các tổ chức tài chính, ngân hàng được xem là các doanh nghiệp thiết yếu, được phép hoạt động ngay cả khi chính quyền ban hành lệnh yêu cầu người dân ở nhà.

Luật sư David Marmins cho rằng khái niệm pháp lý về sự kiện bất khả kháng có những vùng xám và có rất ít án lệ về nó, khiến cho các tranh chấp hợp đồng liên quan đến điều khoản bất khả kháng trở nên khó đoán kết cục.

Vẫn chưa rõ các tòa án có xem đại dịch là một sự kiện bất khả kháng, một thuật ngữ thường được đề cập chung chung trong các điều khoản của hợp đồng, hay không. Theo Marmins, các công ty sẽ khó viện dẫn điều khoản bất khả kháng để thoái thác các nghĩa vụ trong hợp đồng nếu họ được phép hoạt động trong đại dịch. Ông cũng chi rằng các khó khăn tài chính do tác động của dịch Covid-19 cũng không đủ để xem như là điều kiện “bất khả kháng”.

Trung Quốc, Singapore quăng “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp

Kể từ đầu năm đến nay, Hội đồng Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc (CCPIT) đã cấp hơn 7.000 giấy chứng nhận bất khả kháng cho các công ty bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để giúp họ dừng hoặc miễn thực hiện các nghĩa vụ trong các hợp đồng có giá trị 690 tỉ nhân dân tệ (98 tỉ đô la Mỹ).

Chẳng hạn, Công ty sản xuất cơ khí Huzhou Huida ở tỉnh Chiết Giang đã xin giấy chứng nhận này để tạm dừng thực hiện hợp đồng cung cấp linh kiện ô tô cho hãng xe Peugeot  (Pháp) và tránh bị bồi thường 30 triệu nhân dân tệ.

CCPIT cho biết các giấy chứng nhận bất khả kháng do cơ quan này cung cấp được các chính phủ, cơ quan hải quan, tổ chức thương mại, doanh nghiệp ở hơn 200 nước và vùng lãnh thổ ghi nhận. Tuy nhiên, Brian Perrott, đối tác của hãng luật quốc tế Holman Fenwick Willan (Anh), cho rằng các giấy chứng nhận này sẽ khó được các tòa án ở nước ngoài chấp nhận vì đa số hợp đồng thương mại giữa Trung Quốc các các đối tác nước ngoài đều bị chi phối bởi thông luật (hay còn gọi là luật Anh – English law), vốn chỉ cho phép các bên viện dẫn điều khoản bất khả kháng nếu nó được nêu rõ và chi tiết trong hợp đồng.

Ngoài ra, các bên viện dẫn điều khoản bất khả kháng phải chứng minh rằng họ không thể hoặc khó thực hiện đầy đủ hợp đồng do dịch Covid-19.

Trong khi đó, hồi đầu tháng 4, Quốc hội Singapore thông qua Đạo luật Các biện pháp tạm thời trong dịch Covid-19 để giúp giảm nhẹ các hậu quả mà dịch bệnh này gây ra đối với giới doanh nghiệp Singapore.

Đạo luật cho phép các doanh nghiệp ở Singapore dừng các nghĩa vụ cam kết thực hiện từ ngày 1-1-2020 trong các hợp đồng được ký kết mới hoặc gia hạn trước ngày 25-3 trong thời gian 6 tháng bắt đầu từ ngày 20-4. Mục đích là để các bên có thời gian thương lượng lại các điều khoản hợp đồng và dàn xếp các bất đồng mà không lo bị kiện vì vi phạm hợp đồng.

Đạo luật này được áp dụng với các hợp đồng thuê bất động sản thương mại và công nghiệp, hợp đồng liên quan đến du lịch, hợp đồng xây dựng và cung cấp vật liệu, thiết bị xây dựng, hợp đồng cung cấp dịch vụ và hàng hóa cho các sự kiện, một số dạng hợp đồng mua trả góp và một số dạng hợp đồng vay thế chấp của các ngân hàng dành cho các doang nghiệp vừa và nhỏ.

Theo WSJ, Mlaw, The Real Deal

(Theo Lê Linh - TBKTSG Online)