Việt Nam ngày càng thâm hụt thương mại lớn với Hàn Quốc
Tổng cục Hải quan vừa có báo cáo nhìn lại sự phát triển thương mại Việt - Hàn nhân chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Mun Che In từ 22-24/3 theo lời mời cuả Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Việc nhập siêu lớn từ Hàn Quốc khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo lắng.
Năm 2017, Việt Nam đã trao đổi với Hàn Quốc 61,56 tỷ USD hàng hóa, tăng mạnh 41,3% so với năm 2016 và là mức tăng cao nhất ghi nhận trong các năm gần đây.
Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2017 Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc 14,82 tỷ USD hàng hóa, tăng 29,9% so với năm trước trong khi đó nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ quốc gia Đông Bắc Á này đạt 46,73 tỷ USD, tăng 45,3%.
"Đây là mức tăng nhập khẩu cao nhất từ trước đến nay mà nguyên nhân chủ yếu là do sự tăng mạnh trong nhập khẩu các mặt hàng chủ lực như: máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng", báo cáo nêu.
Cán cân thương mại hàng hóa giữa hai nước trong năm 2017 tiếp tục mất cân bằng với mức thâm hụt 31,9 tỷ USD nghiêng về phía Việt Nam với tỷ lệ nhập siêu là 68%. So với tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc trong năm 2016, mức thâm hụt này cao gấp 2 lần.
Việt Nam ngày càng nhập siêu lớn từ Hàn Quốc
Tổng cục Hải quan dẫn lại số liệu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ghi nhận, về xuất khẩu hàng hóa, Hàn Quốc xếp ở vị trí thứ 8 trên thế giới và nhập khẩu xếp ở vị trí thứ 10. Trong đó, Trung Quốc là đối tác xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Hàn Quốc với tỷ trọng chiếm 25,1%. Mỹ là thị trường tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu lớn thứ hai của Hàn Quốc (chiếm 13,5%), tiếp theo là Liên minh Châu Âu (EU 28), Hồng Kông và Việt Nam.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại quốc gia này chủ yếu nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc với tỷ trọng là 21,4%; tiếp theo là các hàng hóa có xuất xứ từ Liên minh Châu Âu (EU 28), chiếm 12,8%. Nhật Bản, Mỹ và Đài Loan cũng là các đối tác chính xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này.
"Vị thế của Hàn Quốc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn tiếp tục được củng cố khi quốc gia này luôn là một đối tác quan trọng và mang tầm chiến lược của Việt Nam. Năm 2017, Hàn Quốc đã vượt qua Mỹ và trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 trong hơn 200 đối tác thương mại của Việt Nam trên toàn thế giới", báo cáo đánh giá.
Với các hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian qua, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động xuất nhập khẩu với quốc gia ở Đông Bắc Á này.
Số lượng các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu với Hàn Quốc trong năm 2017 là hơn 19.000 doanh nghiệp, trong khi đó trong năm 2013, con số này là 10.900 doanh nghiệp.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm mặt hàng được các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Hàn Quốc trong năm 2017 với trị giá đạt 15,3 tỷ USD, tăng mạnh 76,7% so 1 năm trước và chiếm 32,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ quốc gia này.
Bên cạnh đó, các nhóm mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, vải các loại, điện thoại các loại và linh kiện cũng là các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam khá cao. Tính chung tổng kim ngạch nhập khẩu của 4 nhóm hàng đứng đầu đã chiếm 68%kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam của các mặt hàng có xuất xứ từ Hàn Quốc trong năm.
Trong năm 2017, Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ quan trọng đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: điện thoại các loại và linh kiện (đạt 3,97 tỷ USD, tăng mạnh 45,4% so với năm 2016); hàng dệt may (đạt 2,64 tỷ USD, tăng 15,8%); máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện (đạt 1,83 tỷ USD, tăng 46%)…
Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Mun Che In từ 22-24/3 theo lời mời cuả Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hai nước đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Hàn Quốc với nhiều nội dung hợp tác phát triển và tăng cường mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Về thương mại, hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác thương mại phát triển cân bằng, bền vững, nhằm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2020.
Lãnh đạo hai nước nhất trí thực hiện các biện pháp để cân bằng thương mại, đẩy nhanh quy trình đánh giá, kiểm nghiệm, tăng cường và hỗ trợ công nghệ đối với quá trình sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ để nâng cao kim ngạch thương mại của các mặt hàng nông thủy sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam; hợp tác để mở rộng mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam.
Bạch Dương
Nguồn: VnEconomy