notification.jpeg

Cắt giảm 26 điều kiện kinh doanh chứng khoán

Ngày đăng - 12/11/2018

Nghị định số 151 cắt giảm 26 điều kiện, đơn giản hóa 23 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán...

 

HOÀI VŨ

Theo Nghị định số 151/2018/NĐ-CP ngày 7/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, lĩnh vực chứng khoán cắt giảm 26 điều kiện, đơn giản hóa 23 điều kiện.

Đối với quy định về vốn pháp định khi thành lập công ty chứng khoán, Nghị định 151 sửa đổi theo hướng giảm điều kiện về vốn pháp định cho nghiệp vụ tự doanh chứng khoán từ 100 tỷ đồng xuống còn 50 tỷ đồng và quy định đối với tổ chức tham gia góp vốn thành lập tổ chức kinh doanh chứng khoán chỉ yêu cầu hoạt động kinh doanh có lãi trong 2 năm liền trước, bỏ điều kiện không có lỗ lũy kế. Ngoài ra, tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán được thành lập văn phòng đại diện công ty chứng khoán tại Việt Nam.

Đối với các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh chứng khoán, có khá nhiều sửa đổi. Đối với điều kiện về trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy định mới cho phép các nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán thì không phải đáp ứng điều kiện về trang bị thiết bị.

Đối với các điều kiện về cấp giấy phép thành lập công ty chứng khoán, điều kiện về nhân sự cũng đã giảm đi. Trong đó, tiêu chuẩn của tổng giám đốc (giám đốc) của tổ chức kinh doanh chứng khoán chỉ cần 2 năm (trước đây là 3 năm) kinh nghiệm làm việc tại các bộ phận nghiệp vụ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng chứng khoán hoặc tại bộ phận tài chính, kế toán, đầu tư của doanh nghiệp khác và có kinh nghiệm quản lý điều hành tối thiểu 2 năm (trước đây là 3 năm); không bị xử phạt theo pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán trong vòng 6 tháng (trước đây là 12 tháng) gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ.

Đáng chú ý, Nghị định 151 cũng bãi bỏ điều kiện tài chính để công ty chứng khoán được thực hiện giao dịch ký quỹ gồm điều kiện không có lỗ lũy kế bằng hoặc lớn hơn 50% vốn điều lệ và điều kiện tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần; bãi bỏ điều kiện tổ chức tham gia góp vốn thành lập tổ chức kinh doanh chứng khoán không có lỗ lũy kế. Riêng điều kiện đăng ký cung cấp dịch vụ giao dịch trong ngày được sửa đổi theo hướng cắt giảm. 

Theo đó, công ty chứng khoán được cung cấp dịch vụ giao dịch trong ngày cho khách hàng sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận trên cơ sở đáp ứng các điều kiện sau: được cấp phép các nghiệp vụ môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành chứng khoán và được Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua hoạt động cung cấp dịch vụ giao dịch trong ngày; tỷ lệ vốn khả dụng đạt tối thiểu 220% liên tục trong 6 tháng gần nhất tính đến thời điểm đăng ký cung cấp dịch vụ giao dịch trong ngày (Quy định cũ là tối thiểu 220% liên tục trong 12 tháng gần nhất...)...

Ý kiến kiểm toán tại báo cáo tài chính năm và báo cáo tài chính soát xét gần nhất phải là ý kiến chấp nhận toàn phần; tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần, vốn chủ sở hữu không thấp hơn mức vốn pháp định, trích lập đầy đủ các khoản dự phòng.

Ngoài ra, Nghị định 151 cũng bãi bỏ điều kiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của tổ chức kinh doanh chứng khoán đã quy định tại Điều 19 của Nghị định 86/2016/NĐ-CP. Trước đây, quy định rằng: tổ chức kinh doanh chứng khoán thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức mua, bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngòi thì thực hiện theo pháp luật về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài và pháp luật có liên quan...

Ngoài lĩnh vực chứng khoán, Nghị định 151 cũng đã cắt giảm và đơn giản hóa gần 100 điều kiện kinh doanh thuộc 12 ngành nghề khác như: Kế toán, kiểm toán; xổ số, casino, đặt cược, trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, dịch vụ quản lý quỹ hưu trí tự nguyện; kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm; thẩm định giá.

Theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật hiện hành, trong lĩnh vực tài chính có 21 ngành nghề đầu tư, kinh doanh với 370 điều kiện đầu tư, kinh doanh. Các điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực tài chính được quy định tại các luật và nghị định, đảm bảo đúng quy định của Luật Đầu tư. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã tổ chức rà soát và đề xuất phương án cắt giảm 51,4% tổng số điều kiện đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ Tài chính xác định việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh phải đi liền với việc chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm trong từng lĩnh vực đảm bảo tính khả thi, phù hợp với các điều kiện thực tế của cơ quan quản lý nhà nước.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính dự kiến sẽ trình Chính phủ các dự thảo nghị định để cắt, giảm điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan (dự kiến cắt, giảm 14 điều kiện kinh doanh) và trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đòi nợ (dự kiến cắt giảm 5 điều kiện kinh doanh).

Ngoài ra hiện nay, dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) và Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Dự kiến khi được thông qua, 2 dự án luật trên sẽ cắt giảm thêm 28 điều kiện đầu tư, kinh doanh.

Nguồn: vneconomy.vn