Chờ đợi cái “bắt tay” của doanh nghiệp Việt – Nhật
Nhiều doanh nghiệp Việt – Nhật như I-Cube, ANA Holdings, Tập đoàn Phú Thái, Công ty Du lịch lữ hành Vietravel...đều bày tỏ kỳ vọng sẽ kết nối được các đối tác tiềm năng từ 2 phía thông qua diễn đàn “Đối thoại kinh tế Việt Nam - Nhật Bản” vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Đây là sự kiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ủy ban hợp tác kinh doanh Nhật Bản - Mê kông (JCCI) tổ chức, nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của phái đoàn gồm 50 lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong các lĩnh vực thương mại tổng hợp, sản xuất máy móc, linh kiện, ôtô, ngân hàng, xây dựng, thực phẩm, hàng không, thực phẩm, đồ điện gia dụng và tư vấn...
Sau làn sóng đầu tư thứ nhất với những doanh nghiệp đi đầu trong các lĩnh vực, làn sóng đầu tư thứ hai từ Nhật Bản vào Việt Nam đang được manh nha với cuộc đổ bộ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Điều này xuất phát từ thực tế được chính các doanh nghiệp Nhật nêu ra tại diễn đàn, đó là trong một số lĩnh vực, thị trường Nhật Bản đã gần đạt điểm tới hạn như bán lẻ, giáo dục…
“Nhật Bản đang rơi vào tình trạng ngày càng ít trẻ em được sinh ra, với một doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục như chúng tôi, thách thức về thị trường trong thời gian tới là không nhỏ, vì vậy trong kế hoạch 10 năm tới, ưu tiên của chúng tôi là triển khai những hoạt động đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là những thị trường dân số lớn và kinh tế tăng trưởng tốt như Việt Nam”, ông Noriyuki Sekito, Giám đốc công ty giáo dục I-Cube cho biết.
Làn sóng đầu tư ở quy mô vừa này dường như rất được đón nhận tại Việt Nam, khi nhiều doanh nghiệp Nhật Bản được hỏi đều cho biết đã có sự kết nối khá chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt để hợp tác kinh doanh hoặc làm đại lý, nhà cung ứng…
“Điều này vừa khiến chúng tôi giảm bớt rủi ro về đầu tư, vừa thuận lợi trong việc làm quen với các chính sách đầu tư cũng như tiết kiệm chi phí, thời gian tìm hiểu thị trường. Ngược lại, chúng tôi cũng sẵn sàng trao công nghệ, hợp tác chặt chẽ nhất có thể với các doanh nghiệp Việt trên tinh thần Win-Win”, đại diện một doanh nghiệp Nhật chia sẻ.
Tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI đánh giá cao mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước; thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng phát triển trong những năm qua. Nhật Bản luôn là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam.
Ông Phòng cho rằng, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết mới đây giữa 11 quốc gia thành viên là sự thành công dựa trên những nỗ lực của cả Việt Nam và Nhật Bản. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác giữa 2 quốc gia, đóng góp vào sự phát triển mạnh mẽ của thương mại toàn cầu.
Bên cạnh đó, Nhật Bản còn có vai trò hết sức quan trọng trong việc đa dạng cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam theo hướng giảm xuất khẩu nguyên liệu thô và tăng xuất khẩu sản phẩm chế tạo có giá tri cao hơn...
Ông Kobayashi Yoichi, Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh doanh Nhật Bản – Mê-kông cho biết, buổi đối thoại hôm nay là cơ hội tốt để lãnh đạo doanh nghiệp hai bên có cơ hội tìm hiểu sâu và toàn diện hơn về tình hình, tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư của hai nước.
Các doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, giao lưu trực tiếp, trao đổi thông tin và tìm kiếm đối tác hợp tác trong tương lai. Điều đó vô cùng hữu ích bởi các doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang rất quan tâm tới thị trường Việt Nam; trong đó, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới chính sách đầu tư, phương thức nhượng quyền thương mại...
Thời gian tới, Việt Nam và Nhật Bản sẽ có nhiều dư địa hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực mới như: nông nghiệp, du lịch, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, vận tải, phân phối... Đặc biệt, nhất là khi Việt Nam cần tăng cường và thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì cái bắt tay giữa doanh nghiệp hai nước là vô cùng quan trọng.
Anh Trung
Nguồn: baodautu.vn