Cơ hội nào cho ngành thép kiện Mỹ ra WTO
Theo dòng thời sự liên quan đến cuộc bảo hộ thương mại của Mỹ đối với ngành sản xuất thép bản địa, Nhà Trắng cho biết có thể miễn thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu cho một số nước dựa trên lý do an ninh quốc gia. Trong khi đó, theo Tuổi Trẻ, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đang cân nhắc việc tìm kiếm các quốc gia khác cùng Việt Nam kiện Mỹ ra WTO nếu mức thuế áp cao. Song, trên thực tế, VSA sẽ khó có cơ hội để làm được điều này.
Xuất khẩu của ngành thép Việt Nam sang Mỹ chưa đầy 5% tổng sản lượng nhập khẩu vào thị trường này nên các biện pháp khởi kiện thương mại mà VSA tính đến là khó có tính khả thi. Ảnh: HP
Từ hôm 1-3 đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đứng đầu Bộ Thương mại Mỹ liên tục đưa ra các tuyên bố về quyết định sẽ áp thuế thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ lên mức 25% và 10% so với mức thuế hiện hành. Mức thuế này dự kiến sẽ áp dụng với 12 quốc gia có những hàng hóa trên nhập khẩu vào Mỹ, trong đó có Việt Nam. Hiện tại, mức thuế mà thép và nhôm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này là 0%.
Quyết định trên chưa được chính thức đưa ra, cũng không nêu lý do cụ thể. Tuy nhiên, VSA đã có những phản ứng về việc này. Trên báo Tuổi Trẻ hôm 5-3, đại diện VSA cho biết đã cùng các doanh nghiệp thảo luận và có thư gửi Bộ Thương mại Mỹ, hiện đang trong quá trình thu thập thông tin và sắp tới sẽ thông qua Chính phủ để có những ý kiến với Mỹ, yêu cầu dừng áp thuế đối với các sản phẩm thép và nhôm của Việt Nam. Đồng thời, hiệp hội sẽ đề nghị Bộ Công Thương có phản ứng kịp thời, và sau đó sẽ gửi thư cho Chính phủ đề nghị có biện pháp hỗ trợ, VSA và các doanh nghiệp cũng cân nhắc việc kiện Mỹ ra WTO nếu việc tham vấn và hòa giải về mức thuế không đạt được kết quả.
Các động thái chuẩn bị của hiệp hội và các cơ quan quản lý, doanh nghiệp Việt Nam trong trường hợp các quyết định của quốc gia khác hay nhóm lợi ích khác tác động trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng của Việt Nam là cần thiết. Tuy nhiên, trong trường hợp VSA dự tính kiện Chính phủ Mỹ ra Tổ chức thương mại thế giới (WTO) là một quá trình rất khó khăn và khó có tính khả thi.
Theo lời của một chuyên gia về WTO trong cuộc trao đổi với TBKTSG Online, nếu quyết định nói trên của Chính phủ Mỹ được thực thi thì khó mà cưỡng lại được. Bởi lẽ, theo quy định của WTO, ngoài các điều khoản có thể áp thuế là kết quả của ciệc phòng vệ thương mại (chống trợ cấp, chống bán phá giá, tự vệ thương mại) thì còn có điều khoản ngoại lệ trong WTO (điều 232), cho phép các quốc gia thành viên dựng hàng rào thương mại, áp thuế cao nếu hàng hóa nhập khẩu ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.
Ở một góc nhìn khác, lượng thép và tôn Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chiếm chưa đầy 5% số lượng thép nhập khẩu của thị trường này; chưa đầy 11% tổng lượng thép xuất khẩu nước ngoài của ngành thép Việt Nam. Với quy mô và thị phần kể trên, việc Việt Nam cùng tham gia với một nhóm các doanh nghiệp hay các quốc gia khác có chung lợi ích có thể khởi kiện Mỹ là điều khó khả thi vì tính đại diện thấp.
Nhiều ý kiến cho rằng thay vì dự tính khởi kiện Mỹ khi mức thuế mới được áp dụng, một quyết định có thể gây tốn kém thời gian và chi phí lớn mà cơ hội thắng kiện mong manh, các doanh nghiệp thép trong nước cần tập trung vào việc gia tăng thị phần, chiếm lĩnh thị trường nội địa hay tiếp tục xuất khẩu sang các quốc gia Đông Nam Á vốn còn nhiều dư địa.
Lan Nhi
Nguồn: TBKTSG Online