Giới taxi truyền thống đề nghị có ngay quyết định mới thắt chặt Uber, Grab

Ngày đăng - 16/03/2018

Hiệp hội Taxi Hà Nội cùng với Hiệp hội Taxi Thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp hội Taxi Đà nẵng vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về chủ trương cho phép tiếp tục thí điểm xe hợp đồng điện tử theo Quyết định số 24.

Giới taxi truyền thống muốn có quyết định mới thắt chặt Uber, Grab.

Trong văn bản này, 3 hiệp hội trên cho rằng không đồng tình với văn bản số 14372/BGTVT-VT ngày 29/12/2017 về đánh giá hoạt động thí điểm theo quyết định 24 và đề xuất tiếp tục gia hạn hoạt động mà không có biện pháp quản lý chặt chẽ, không sửa chữa sai sót, sơ hở gây xáo trộn thị trường vận tải, tạo nhiều hệ lụy và bất ổn cho xã hội.

Đề cập đến bất cập trong quá trình thực hiện thí điểm theo Quyết định 24, 3 Hiệp hội Taxi cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải đã cố tình không giới hạn số lượng phương tiện tham gia thí điểm không giới hạn về số lượng phương tiện tham gia thí điểm mặc dù Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần kiến nghị và yêu cầu khống chế số lượng.

Tình trạng xe hợp đồng dưới 9 chỗ tham gia thí điểm trên toàn quốc đã lên đến trên 60.000 xe. Tại Hà Nội, hiện có 19.265 xe taxi và khoảng 30.000 xe hợp đồng hoạt động như taxi, vượt xa so với quy hoạch taxi của thành phố (đến năm 2020 Hà Nội sẽ có 25.000 xe nhưng hiện đã có trên 49.000 xe).

Tương tự, TP.HCM hiện có 11.060 xe taxi và khoảng 33.000 xe hợp đồng hoạt động như taxi. Theo quy hoạch của TP.HCM, đến năm 2020 sẽ có 12.700 xe, nhưng tính đến thời điểm này tổng số xe taxi và xe hoạt động như taxi tại TP.HCM đã là trên 44.000 xe, và vấn đề ùn tắc giao thông là điều không thể tránh khỏi.

"Thủ tướng Chính phủ đã giao đích danh trọng trách cho Bộ Giao thông chủ trì công tác thí điểm. Mặc dù các địa phương đều có ý kiến phải hạn chế, quản lý phương tiện thí điểm nhưng Bộ Giao thông đã cố tình để cho gia tăng số lượng phương tiện, làm phá vỡ quy hoạch vận tải của các địa phương", văn bản nêu.

Về nghĩa vụ thuế, Hiệp hội Taxi Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM chỉ ra cũng còn nhiều bất cập khi số lượng xe Uber và Grab đã đến hơn 60.000 xe, nhưng số nộp ngân sách của cả Uber và Grab trong suốt gần 4 năm (2014 đến tháng 10.2017) chỉ 285 tỷ đồng, tương đương 9 tháng 2017 của hãng taxi Vinasun, trong khi số lượng xe của Vinasun là hơn 5.000 xe.

"Với số 25% doanh thu phía Uber và Grab được hưởng thì mỗi năm dòng tiền trong nước chảy ra nước ngoài cho Uber, Grab khoảng 5.400 tỷ đồng, có nghĩa mỗi ngày Uber, GRab đã chuyển ra nước ngoài khoảng 15 tỷ đồng", 3 Hiệp hội nêu.

Đại diện hiệp hội taxi 3 miền cũng cho rằng, việc trị trường cho thí điểm quá lớn tại 5 thành phố lớn là thị trường vận tải hành khách lớn nhất nước và thời gian thí điểm 2 năm là quá dài. Việc tiếp tục cho thử nghiệm mà không sửa ngay Quyết định 24 để đảm bảo tính pháp lý và sự công bằng đối với hoạt động của taxi hiện hữu thì sẽ tiếp tục làm cho các hậu quả trầm trọng hơn.

Mặt khác, chờ để sửa đổi Nghị định và Luật Giao thông đường bộ thì thời gian đòi hỏi sẽ kéo dài, ít nhất phải 2-3 năm.

Với thời gian dài như vậy cộng với lỗ hổng pháp lý và chiêu trò kinh doanh của Uber, Grab, đại diện hiệp hội taxi 3 miền cho rằng điều này đủ để hệ thống taxi tan rã.

Hiện nay chỉ riêng ở Tp.HCM, 1/2 số đơn vị taxi thành viên Hiệp hội taxi ở Tp. HCM đã tan rã, các đơn vị còn lại cũng giảm đến 30% số xe. Tại Hà Nội số lượng đầu xe cũng giảm trên 35% số lượng đầu phương tiện.

Do vậy, hiệp hội taxi 3 miền kiến nghị Thủ tướng cần sớm có chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải trong thời gian tới chờ hoàn chỉnh Nghị định, luật có hiệu lực thi hành phải có ngay quy định tạm thời thay quyết định 24. Dừng gia tăng số lượng phương tiện hoạt động thí điểm vì đã quá nhiều; không mở rộng các tỉnh thành phố ngoài phạm vi thí điểm; Các đơn vị kinh doanh phần mềm hỗ trợ kết nối, cụ thể là Uber, Grab phải là đơn vị kinh doanh vận chuyển hành khách, đặt taxi qua mạng, phải ký hợp đồng trực tiếp với lái xe...

Đồng thời hiệp hội taxi 3 miền cũng kiến nghị phải xây dựng bộ phận nhận diện riêng cho các phương tiện hoạt động thí điểm. Quy định về chế độ báo cáo, thống kê, kết nối, kiểm tra, đặt máy chủ tại Việt Nam… của doanh nghiệp cung ứng phần mềm kết nối với cơ quan quản lý nhà nước.

Kiều Linh

Nguồn: VnEconomy