Môi trường kinh doanh và những điểm nhấn ngược

Ngày đăng - 21/01/2019

Chỉ số đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản trong nhiều năm không có cải cách nào và thứ hạng liên tiếp giảm bậc qua các năm.

Chỉ số đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản trong nhiều năm không có cải cách nào và thứ hạng liên tiếp giảm bậc qua các năm.

Đó là thông tin được nêu tại  báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2018 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện, mới được công bố tại hội thảo ngày 17/1.

Chậm trong nhiều năm

Một trong ba vấn đề kinh tế vĩ mô nổi bật được mổ xẻ tại báo cáo là kết quả, những nhiệm vụ chưa hoàn thành và những yêu cầu mới sau 5 năm thực hiện nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo CIEM thì nhìn lại 5 năm triển khai thực hiện có thể thấy những biến chuyển và nỗ lực thay đổi tích cực qua các năm, nhất là 3 năm gần đây. Trong năm 2014, chỉ có Bộ Tài chính (lĩnh vực thuế và hải quan), Tập đoàn điện lực Việt Nam (lĩnh vực tiếp cận điện năng) và Tp.HCM tiên phong triển khai thực hiện nghị quyết.

Từ năm 2016, các bộ, ngành, địa phương tham gia sâu rộng hơn, chủ động, tích cực hơn, và đã đạt được một số kết quả rõ ràng. Một số vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp được tháo gỡ; tăng thêm niềm tin và sự hứng khởi kinh doanh cho doanh nghiệp.

Từ 2015, điểm số môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục được cải thiện 6/10 chỉ số năm 2018 cải thiện so với năm 2014. Cụ thể là các chỉ số về tiếp cận điện năng (tăng 108 bậc), nộp thuế và bảo hiểm xã hội (tăng 42 bậc), bảo vệ nhà đầu tư (tăng 28 bậc), khởi sự kinh doanh (tăng 21 bậc), tiếp cận tín dụng (tăng 4 bậc), cấp phép xây dựng (tăng 1 bậc).

Nhưng có một điểm nhấn "ngược" là chỉ số đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản  (thuộc trách nhiệm chủ trì của Bộ Tài nguyên và Môi trường) trong nhiều năm không có cải cách nào và thứ hạng liên tiếp giảm bậc qua các năm. Chỉ đến năm 2018, chỉ số này được ghi nhận tăng bậc nhờ rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục chuyển nhượng (từ 57,5 ngày xuống còn 53,5 ngày). Qua 5 năm, chỉ số này của Việt Nam giảm 27 bậc (từ vị trí 33 xuống vị trí 60.

Không đến nỗi không có cải cách nào nhưng được đánh giá chậm cải thiện trong nhiều năm qua là hai chỉ số thuộc lĩnh vực tư pháp (thuộc trách nhiệm của tòa án).

CIEM phân tích, Ngân hàng Thế giới đã ghi nhận một số điểm mới của Luật Phá sản 2014: quy định đơn giản hóa thủ tục thanh lý và tổ chức lại doanh nghiệp; điều chỉnh quy định về giao dịch vô hiệu; thiết lập quy định về quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá một số điểm tích cực của hệ thống tòa án Việt Nam như: thực hiện công khai bản án, phân án ngẫu nhiên.

Tuy vậy, trên thực tế, Luật Phá sản bộc lộ nhiều mâu thuẫn, bất cập, chưa thực sự đi vào cuộc sống, việc phân án ngẫu nhiên vẫn chỉ trên văn bản, phân án không tự động mà vẫn phụ thuộc vào quyết định của lãnh đạo tòa án.

Bởi thế, qua 5 năm chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng giảm 15 bậc (từ vị trí 47/189 năm 2014 xuống vị trí 62/190 năm 2018). Giải quyết phá sản doanh nghiệp giảm 29 bậc (từ 104/189 năm 2014 xuống thứ 133/190 năm 2018, thuộc cuối bảng xếp hạng).

Vẫn còn rào cản

Trong cắt giảm điều kiện kinh doanh, CIEM cho rằng vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương thực hiện chậm hoặc chưa thực chất trên một số lĩnh vực nên vẫn còn rào cản với doanh nghiệp.

Ví dụ như ngành giáo dục chậm chuyển biến, rào cản điều kiện kinh doanh còn phổ biến trong lĩnh vực này. Vấn đề kiểm tra chất lượng, kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn nhiều trở ngại, tốn kém, lãng phí về thời gian, chi phí và gây rủi ro cho doanh nghiệp…

Về chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh, theo CIEM thì thực chất chưa đạt yêu cầu cắt giảm 50%. Một số điều kiện kinh doanh cắt giảm, sửa đổi, nhưng không thật sự tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. 

Như, điều kiện kinh doanh cắt bỏ, nhưng lồng ghép vào các quy chuẩn kỹ thuật; sửa đổi điều kiện kinh doanh với mục đích tránh gây sự chú ý, nhưng bản chất không thay đổi, một số điều kiện kinh doanh sửa đổi thậm chí gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp.

Vẫn còn nhiều quy định không rõ ràng, khó tiên liệu, tiềm ẩn rủi ro cho doanh nghiệp; Chứng chỉ hành nghề chỉ do các cơ quan quản lý nhà nước cấp tồn tại ở hầu hết các lĩnh vực (nhất là trong lĩnh vực xây dựng), rồi mở rộng thêm các quy định về điều kiện kinh doanh trong thành phần hồ sơ.

Cũng ít và chậm cải cách là lĩnh vực quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Đáng chú ý là trong khi phạm vi mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành quá rộng, hiện vào khoảng hơn 78.000 mặt hàng thì  trong nhiều trường hợp, thông tư, quyết định của một số bộ lại có xu hướng mở rộng danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành so với quy định cho phép của luật ( lĩnh vực kiểm dịch động vật, hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng).

Theo Hà Vũ
Nguồn: VNECONOMY