Nâng tiêu chí doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu lao động
Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người đi làm việc ở nước ngoài phải có 100% vốn góp của nhà đầu tư trong nước, vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng trở lên...
Ảnh minh họa.
Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người đi làm việc ở nước ngoài phải có vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng trở lên, thường xuyên duy trì vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán không thấp hơn 5 tỷ đồng.
Tại dự thảo luật quy định, hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có trách nhiệm duy trì các điều kiện kinh doanh trong suốt quá trình hoạt động.
Theo đó, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người đi làm việc ở nước ngoài phải là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, có 100% vốn góp của nhà đầu tư trong nước, có vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng trở lên.
Đồng thời, phải thường xuyên duy trì vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán không thấp hơn 5 tỷ đồng.
Doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động khi có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp.
Giấy phép này sẽ có thời hạn 5 năm và được gia hạn nhiều lần, tối đa mỗi lần 5 năm. Doanh nghiệp được cấp Giấy phép phải trực tiếp tổ chức hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, để được cấp giấy phép hoạt động, ngoài các yêu cầu kể trên, dự thảo đề xuất doanh nghiệp phải thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng tại ngân hàng thương mại.
Cùng với đó, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, đã làm việc ít nhất 5 năm trong lĩnh vực hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong vòng 10 năm trước khi đề nghị cấp giấy phép.
Về quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài, một trong những điểm mới của dự thảo là đề xuất người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân 2 lần ở Việt Nam và ở nước/vùng lãnh thổ đến làm việc, nếu 2 bên đã ký Hiệp định bảo hiểm xã hội hoặc Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.
Dự thảo luật cũn đề xuất quy định về việc Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích người lao động về nước đầu tư sản xuất, kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp.
Cùng với đó, các địa phương xây dựng chương trình hỗ trợ người lao động về nước thành lập doanh nghiệp như: hỗ trợ vay vốn kinh doanh; hỗ trợ đào tạo kiến thức khởi sự doanh nghiệp; hỗ trợ các khoản thuế, phí, thuê đất nông nghiệp hay khu công nghiệp cho người lao động về nước xây dựng doanh nghiệp tại địa phương.
Nguồn: vneconomy.vn