notification.jpeg

Những nét chấm phá bức tranh ngành ngân hàng nửa đầu năm 2017

Ngày đăng - 15/08/2017

Tăng trưởng tín dụng vượt huy động, nhiều ngân hàng sắp “cạn” room tín dụng cả năm

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 20/6/2017, huy động vốn của các tổ chức tín dụng mới chỉ tăng 5,89% (cùng kỳ năm trước tăng 8,23%) còn tăng trưởng tín dụng đã đạt 7,54%. Còn theo báo cáo mới nhất của Thống đốc NHNN, đến ngày 30/6, tín dụng với nền kinh tế đã tăng đến 9,06%, mức cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây.

Còn theo khảo sát của BizLIVE, có tới 8/12 ngân hàng (bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ACB, MB, SHB, VPBank và VIB) có tốc độ tăng trưởng tín dụng vượt 10% trong 6 tháng đầu năm, chỉ có 3 ngân hàng có tăng trưởng tín dụng dưới 10% bao gồm Sacombank (9,9%), NCB (8,77%) và Eximbank (3,29%). Techcombank là ngân hàng duy nhất trong nhóm khảo sát có tăng trưởng tín dụng âm trong kỳ (-7,52%).

Dù tín dụng tăng trưởng mạnh, nhưng tăng trưởng tiền gửi khách hàng ở phần lớn các ngân hàng trong kỳ lại ở mức khá khiêm tốn và không thể theo kịp tín dụng.

Tại ngày 30/6, cho vay khách hàng của Vietcombank đã đạt gần 513,6 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% trong khi tiền gửi khách hàng chỉ tăng 10%, đạt gần 649,5 tỷ đồng. Trong khi đó, ngân hàng này đặt chỉ tiêu dư nợ tín dụng cho cả năm 2017 là 547,1 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với 2016, theo đó, Vietcombank đã dùng gần hết “room” tín dụng đề ra cho cả năm chỉ trong 6 tháng.

Một ngân hàng khác cũng sắp dùng hết room tín dụng là VIB. Tính đến cuối tháng 6, dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng đã đạt hơn 69,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng tới 15% trong khi huy động tiền gửi chỉ tăng 4,9%, đạt gần 62,2 nghìn tỷ đồng.

Trong năm 2017, VIB đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng theo hai phương án là 16% hoặc 32%, phụ thuộc vào hạn mức tăng trưởng do NHNN cấp. Với con số đạt được trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng này đã hoàn thành tới 93,75% kế hoạch tăng trưởng tín dụng theo phương án 1 và cho tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thông tin về việc nới hạn mức tín dụng cho VIB.

Tại Vietinbank, tới cuối tháng 6, cho vay khách hàng đạt hơn 730 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 10,3% trong khi tiền gửi khách hàng chỉ tăng 5,78%, đạt 692,9 nghìn tỷ đồng.

Tại VPBank, cho vay khách hàng ở mức 162 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng tới 12% trong khi tiền gửi khách hàng chỉ tăng trưởng 4,7% so với đầu năm, đạt mức hơn 129,6 nghìn tỷ đồng.

Hiện tỷ lệ cho vay/tổng tiền gửi của ngân hàng ở mức rất cao, lên tới 125%. Tuy vậy, nhờ phát hành giấy tờ có giá hơn 65,8 nghìn tỷ đồng, tăng 35,3% so với đầu năm nên ngân hàng vẫn thu xếp được nguồn vốn phục vụ cho tín dụng.

Tại ngân hàng MB, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 6 đã đạt mức 14,6% trong khi tiền gửi khách hàng chỉ tăng 4,4%. Tương tự, tại VIB, các chỉ số này lần lượt ở mức 15% và 4,9%,…

Tỷ lệ nợ xấu giảm nhưng quy mô nợ xấu vẫn tăng

Cũng theo thống kê từ BCTC bán niên năm 2017 của 12 ngân hàng trên, tổng nợ xấu của các ngân hàng này đã lên tới mức hơn 65,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với đầu năm.

Về giá trị tuyệt đối, tất cả 12 ngân hàng khảo sát đều có số nợ xấu gia tăng. Tuy vậy, nhờ đẩy mạnh tín dụng trong 6 tháng đầu năm nên chỉ có 5/12 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng so với đầu năm, bao gồm Vietinbank, ACB, VIB, Techcombank và NCB.

BIDV hiện đang là nhà băng có số nợ xấu lớn nhất, với gần 15,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,6% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn ở mức gần 7 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ 1,2% trong khi nợ nghi ngờ tăng tới 74,9%, lên 1,8 nghìn tỷ đồng. Tuy vậy, nhờ đẩy mạnh hoạt động tín dụng (tăng 11,56%) nên tỷ lệ nợ xấu lùi về mức 1,9%, từ mức 1,99% hồi đầu năm.

Nhiều ngân hàng báo lãi nghìn tỷ

Nhìn vào kết quả kinh doanh của các nhà băng, một điều có thể nhìn thấy khá rõ là lợi nhuận ngân hàng vẫn phụ thuộc phần lớn vào hoạt động tín dụng. Thực tế trong 6 tháng đầu năm, phần lớn các ngân hàng đều có tỷ lệ thu nhập lãi thuần/tổng thu nhập ở mức từ 75% trở lên.

Trong khi đó, tín dụng được đẩy mạnh ngay từ đầu năm đã giúp các nhà băng thu về khoản lợi nhuận không nhỏ. Thống kê cho thấy, tổng thu nhập lãi thuần của 12 ngân hàng trong 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 88 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng, tăng trưởng 28,8% so với cùng kỳ.

Với lợi thế về tài sản, quy mô, ba “ông lớn” có vốn nhà nước vẫn là những nhà băng có lợi nhuận khủng nhất.

Cụ thể, vị trí quán quân đang thuộc về Vietcombank với mức lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm lên tới gần 5.255 tỷ đồng, tăng trưởng 22,8% so với cùng kỳ. Với kết quả này, ngân hàng đã hoàn thành 57% kế hoạch năm.

Đứng thứ hai là ngân hàng Vietinbank khi ghi nhận lợi nhuận hơn 4.813 tỷ đồng, tăng 540 tỷ đồng, tương đương tăng 12,7% so với 6 tháng đầu năm 2016.

Với mức lãi 3.708 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 11,4% so với cùng kỳ, BIDV đang là ngân hàng có lợi nhuận cao thứ ba trong hệ thống.

Ngoài ra, một loạt các gương mặt khác cũng lọt vào “câu lạc bộ nghìn tỷ” trong 6 tháng đầu năm bao gồm VPBank (lãi hơn 3,2 nghìn tỷ, tăng gấp đôi cùng kỳ), Techcombank (hơn 2,7 nghìn tỷ, tăng 72,2%), MB (hơn 2,5 nghìn tỷ, tăng 35,6%) và ACB (hơn 1,2 nghìn tỷ, tăng 52,4% so với cùng kỳ)

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ tín dụng theo hướng giảm lãi suất cho vay, đồng thời, đưa dư nợ tín dụng lên cao hơn hoặc bằng 20% trong năm nay, trên cơ sở chất lượng tín dụng và ổn định vĩ mô.

Theo nhận định của CTCP Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HSC), do CPI 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,52% so với cùng kỳ trong khi tỷ giá ổn định sau khi tăng 1,2% từ đầu năm, nên sẽ không có nhiều rủi ro về mặt vĩ mô khi đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.

Theo đó, nếu NHNN cho phép các NHTM đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm để đạt mục tiêu 20%, thì đây sẽ là thông tin tích cực cho cổ phiếu ngân hàng. Và lợi nhuận của nhiều nhà băng theo đó có thể sẽ tăng mạnh hơn dự kiến.

Theo Trần Thúy

Bizlive