Thương mại điện tử: Phát triển nhanh nhưng chưa vui lắm!
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) ngày 14/3 đã công bố Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam (E-business Index - EBI) 2018 với những tín hiệu đáng mừng khi thương mại điện tử trên phạm vi cả nước tiếp tục phát triển nhanh chóng, chỉ số thương mại điện tử của Việt Nam đã tăng lên từ 31,2 điểm của năm 2017 lên 37,7 điểm của năm 2018.
Tp.HCM tiếp tục dẫn đầu về chỉ số thương mại điện tử với điểm tổng hợp là 82,1% điểm
Nhưng, ông Đoàn Quốc Tâm, Phó ban Hợp tác của VECOM, trong phần giới thiệu về chỉ số thương mại điện tử 2018, bình luận tín hiệu đáng mừng trên "tuy vui mà không vui lắm".
Bởi, theo ông, qua biểu đồ chỉ số năm nay cho thấy, Tp.HCM và Hà Nội tiếp tục giữ vai trò tiên phong. Khoảng cách chỉ số thương mại điện tử giữa hai thành phố lớn nhất cả nước với các địa phương còn lại là rất lớn.
Năm nay, Tp.HCM tiếp tục dẫn đầu về chỉ số thương mại điện tử với điểm tổng hợp là 82,1% điểm, cao hơn 3,5 điểm so với năm 2017. Xếp ở vị trí thứ 2 là Hà Nội khi có điểm tổng hợp là 79,8 điểm, cao hơn 4 điểm so với năm trước.
Đáng chú ý Hải Phòng khi vươn lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng chỉ số thương mại điện tử, với điểm số tổng hợp là 54,9 điểm, tăng tới 12,7 điểm so với năm trước, qua đó trở thành địa phương có số điểm EBI tăng so với năm trước cao nhất trong cả nước.
Đứng thứ 4 là Đà Nẵng với 54,1 điểm. Thành phố này có sự phát triển mạnh trong giao dịch B2C. Theo phân tích của VECOM, sự phát triển mạnh này có thể do sự đóng góp cao của lĩnh vực du lịch và dịch vụ. Với điểm số tổng hợp đạt 50,7 điểm, tăng 7,4 điểm so với năm trước.
Tỉnh Bình Dương xếp vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng EBI 2018.
Khoảng cách giữa địa phương xếp thứ nhất là Tp.HCM và địa phương đứng cuối bảng xếp hạng - Bắc Kạn lên tới 56,1 điểm. VECOM cho rằng, mức chênh lệch về sự phát triển thương mại điện tử giữa các địa phương vẫn rất cao, được thể hiện rõ qua chỉ số thương mại điện tử qua các năm. Khoảng cách giữa Hà Nội (xếp thứ 2) và Hải Phòng (xếp thứ 3) đã cách nhau tới 24,9 điểm.
Hiệp hội này cũng cho rằng, mặc dù trong năm 2017 đã có nhiều hoạt động từ các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp để thu hẹp khoảng cách về mức độ phát triển thương mại điện tử giữa hai trung tâm kinh tế lớn với các địa phương khác nhưng kết quả thu được còn thấp.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch VECOM, cho rằng khoảng cách chênh lệch trên là theo xu hướng của thị trường, tập trung vào hai đầu tàu kinh tế của đất nước, bởi ở những thành phố này có nhiều người tiếp cận với thương mại điện tử, có những công cụ để hỗ trợ và sống ở môi trường hiện đại thì mức độ tăng trưởng cũng sẽ khác.
Đại diện của VECOM cũng cho rằng, việc thu hẹp khoảng cách số tiếp tục là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Thời gian tới, Việt Nam cần có những chính sách và giải pháp mạnh mẽ để vừa thúc đẩy vai trò đầu tàu về thương mại điện tử của hai trung tâm kinh tế là Hà Nội và Tp.HCM, vừa hỗ trợ sự phát triển của các địa phương khác, tạo sự phát triển nhanh và bền vững trên phạm vi cả nước.
Thủy Diệu
Nguồn: VnEconomy