notification.jpeg

Tín hiệu tốt từ xuất khẩu nông sản

Ngày đăng - 05/03/2018

Cuối tuần qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức họp báo thường kỳ tháng 3/2018. Cùng với những tín hiệu tốt về xuất khẩu nông sản, những vấn đề "nóng" được nêu lên tại cuộc họp lần này cần được tập trung xử lý như: triển vọng xuất khẩu gạo; "giải cứu" mía đường; đảm bảo an toàn thực phẩm trong việc nhập khẩu thịt bò Úc, Mỹ; giải quyết "thẻ vàng" thủy sản...

Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt giá trị kim ngạch 419 triệu USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2017.

Ông Trần Quốc Tuấn - Chánh văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 2/2018 ước đạt 2,6 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2018 đạt 6,1 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2017. 

Giá gạo xuất khẩu lên tới 470 USD/tấn

Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt giá trị kim ngạch 419 triệu USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2017.

Philippines đã trở lại là thị trường đứng đầu về khối lượng nhập khẩu gạo Việt Nam với thị phần đạt 26,9%, đẩy Trung Quốc xuống  thứ 2 với 23,5% thị phần.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thông báo tin vui, với mức giá xuất khẩu gạo trung bình đạt 475 USD/tấn trong 2 tháng đầu năm 2018, giá xuất khẩu gạo Việt Nam cao hơn giá xuất khẩu gạo bình quân của Thái Lan. 

"Trong 2 năm trở lại đây, thị trường gạo xuất khẩu đã có sự tham gia nhiều hơn của khối doanh nghiệp tư nhân. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong năm 2016 chỉ đạt 435 USD/tấn, năm 2017 là 450 USD/tấn thì bước sang hai tháng đầu năm 2018, giá gạo Việt xuất khẩu đã bật lên 475 USD/tấn. 

Dù chưa thể sánh với Thái Lan trong khâu xây dựng thương hiệu và chế biến, nhưng các doanh nghiệp cũng bước đầu quan tâm, đầu tư nhiều hơn trong đẩy mạnh chế biến gạo dù tỷ lệ vẫn còn ở mức thấp", ông Toản nói.

Lý giải về nguyên nhân giá xuất khẩu gạo tăng cao hơn gạo Thái Lan sau nhiều năm bị đánh giá là thua kém, lép vế, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng, do trong 3-4 năm qua, chúng ta đã xây dựng được cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm tới 80%, đặc biệt ưu tiên các sản phẩm gạo thơm, gạo nếp giá cao. 

Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cũng ký được hợp đồng đấu giá công khai với nhiều nước ở mức giá tăng. 

Việc tái cơ cấu ngành gạo đã bước đầu cho hiệu quả, trong khi chất lượng gạo của nhiều quốc gia không có cải tiến nhiều...

Băn khoăn chất lượng thịt bò nhập khẩu?

Vấn đề được nhiều phóng viên nêu câu hỏi là tại sao thịt bò Úc nhập về trong thời gian gần đây có giá bán thấp hơn nhiều so với thịt bò nuôi trong nước? 

Trong khi giá thịt bò ngon của Việt Nam đang bán trên thị trường hiện nay lên tới 270.000 đồng/kg, loại rẻ cũng có giá tới 170.000 đồng/kg thì cùng thời điểm, giá thịt bò ba chỉ Úc và Mỹ nhập vào Việt Nam, bán tới tay người tiêu dùng chỉ có 150.000 đồng/kg. 

Thực tế này khiến người tiêu dùng đặt câu hỏi, liệu thịt bò nhập khẩu từ nước ngoài có phải là hàng cận date, quá date hoặc chất lượng kém?

Ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y trả lời, để quản lý thịt và thực phẩm nhập khẩu, hiện nay chúng ta đang áp dụng các nội dung của Luật Thú y và hai thông tư gồm Thông tư số 25 năm 2016 và Thông tư 25 năm 2010. 

Theo Thông tư số 25 thì các doanh nghiệp, cơ sở giết mổ gia súc nước ngoài muốn xuất khẩu sản phẩm vào Việt Nam phải có hồ sơ gửi các cơ quan chức năng Việt Nam và được thẩm định, chấp thuận. Sản phẩm xuất vào Việt Nam phải đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm mới được cấp phép... 

Theo Nghị định 90/CP, nếu các sản phẩm không đảm bảo các tiêu chí, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, các quy định, quy chuẩn quốc tế... thì sẽ bị phạt tiền và tái xuất về nước xuất khẩu hoặc tiêu huỷ. 

"Qua thông tin tại các cửa khẩu thì chưa có lô thịt bò nào cận date hoặc bị hết date. Nếu có sẽ tái xuất hoặc tiêu hủy ngay", ông Thành khẳng định.

Việc giá thịt bò Mỹ và Úc quá bèo so với thịt bò Việt Nam, ông Thành lý giải, giá thịt ngoại rẻ là vì có những loại thịt thị trường Việt Nam ưa chuộng nhưng thị trường nước ngoài lại không chuộng, giống như việc nhập khẩu thịt gà vào Việt Nam là một ví dụ.

Gỡ "thẻ vàng" thủy sản thế nào?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã và đang làm gì để gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản, cũng là vấn đề "nóng" được nhiều nhà báo nêu câu hỏi. 

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản) cho biết, ngày 12/1/2018, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam ban hành Sách trắng về chống khai thác IUU. 

Từ ngày 1/2/2018, toàn bộ các doanh nghiệp hải sản cam kết chương trình chống khai thác IUU, đồng loạt thể hiện các cam kết của mình trong vấn đề này thông qua cách thức mà hiệp hội đề nghị; treo bảng cam kết tại nhà máy sản xuất.

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng tăng cường đàm phán với Cộng đồng châu Âu (EC) về các nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác IUU. 

Phía Việt Nam đã sửa đổi khung pháp lý để tuân theo quy tắc của khu vực và quốc tế, xây dựng, ban hành chặt chẽ nhiều văn bản quy phạm pháp luật. 

Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản phối hợp với các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra lực lượng kiểm ngư trên các vùng biển. Tổ công tác của Bộ đang làm việc với tỉnh Kiên Giang, Cà Mau để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện IUU chặt chẽ.

Chu Khôi

Nguồn: VnEconomy