Doanh nghiệp bao bì đón cơ hội với đà tăng trưởng ngành sữa Việt
Ngành sữa Việt Nam đang được xem ở “thời kỳ vàng”, là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất sữa, các doanh nghiệp phụ trợ...
Ông Robert Graves, Tổng giám đốc Công ty Tetra Pak Việt Nam.
“Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, trong hơn 10 năm qua, ngành sữa Việt Nam luôn đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 15%/năm và là ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất trong ngành chế biến. Bởi vậy, “ngành sữa Việt Nam đang được xem ở “thời kỳ vàng”, là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất sữa, các doanh nghiệp phụ trợ liên quan”, ông Robert Graves, Tổng giám đốc Công ty Tetra Pak Việt Nam - doanh nghiệp chuyên cung cấp công nghệ chế biến, đóng gói và bao bì cho các công ty sữa nội địa - nói về tiềm năng ngành sữa Việt Nam.
Ông có thể phân tích chi tiết hơn về “thời kỳ vàng” của ngành sữa Việt không? Là nhà đầu tư nước ngoài như Tetra Pak, các ông nhìn nhận cơ hội của doanh nghiệp mình như thế nào trong “thời kỳ vàng” này?
Dự báo cho thấy mức độ tiêu thụ sữa tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng từ 15 lít trên đầu người năm 2010 lên 28 lít vào năm 2020. Mặc dù vậy, mức tiêu thụ này vẫn còn thấp so với các nước đang phát triển khác. Điều đó có nghĩa là còn nhiều dư địa cho phát triển đặc biệt ở thị trường nông thôn.
Bên cạnh đó, khoảng 1/3 dân số Việt Nam là ở độ tuổi 16 đến 30 và đây là thế hệ đầu tiên sử dụng sữa. Ở nhóm tuổi này họ sẽ có xu hướng sử dụng những loại nước uống dinh dưỡng đa dạng hơn. Và chúng ta đã bắt đầu thấy thị trường đã xuất hiện những loại nước uống mới như sữa chua uống, sữa trái cây đóng hộp để đáp ứng nhu cầu này.
Đó là cơ hội cho các nhà cung cấp sữa và cho các công ty cung cấp các sản phẩm liên quan, cụ thể như bao bì đối với Tetra Pak.
Thị trường sữa Việt Nam sẽ không chỉ có chỗ cho nhà cung cấp hiện có mà còn cho những doanh nghiệp sẽ tham gia thị trường trong thời gian tới. Việc có nhiều các doanh nghiệp tham gia cạnh tranh, phát triển sẽ góp phần thúc đẩy thị trường sữa Việt có nhiều đổi mới, sáng tạo và điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng.
Tetra Pak là thương hiệu lớn trên thế giới về lĩnh vực bao bì cũng như đã hoạt động tại Việt Nam nhiều năm, vậy các ông sẽ đón cơ hội này như thế nào?
Quý 4/2017 chúng tôi sẽ chính thức khởi động xây dựng nhà máy sản xuất bao bì giấy đóng gói thực phẩm dạng lỏng đầu tiên tại Việt Nam, đặt tại Bình Dương, với giá trị lên tới 110 triệu USD.
Nhà máy của Tetra Pak tại Việt Nam sẽ không chỉ cung cấp sản phẩm bao bì cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu tới các thị trường trong khu vực.
Tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương, Tetra Pak đã có nhà máy tại Ấn Độ, Singapore, Nhật Bản và nhà máy tại Việt Nam là nhà máy thứ tư và dự kiến đây cũng sẽ là nhà máy có công suất lớn nhất tại khu vực châu Á, nếu không tính đến Trung Quốc.
Nhưng, Tetra Pak có đặt kỳ vọng quá lớn không khi mà thị trường bao bì đóng hộp nói chung tại Việt Nam và các doanh nghiệp cung cấp bao bì cho các công ty sữa nói riêng đang “bão hòa” với rất này càng nhiều thương hiệu tham gia?
Đầu tư vào nhà máy mới, chúng tôi không chỉ phục vụ cho nhu cầu nội địa và còn xuất khẩu trong tương lai. Lĩnh vực chính mà Tetra Pak đang kinh doanh là ngành sữa nhưng không có nghĩa chỉ là ngành sữa, chúng tôi còn đang tham gia ở các ngành khác như nước, nước trái cây đóng hộp, tôi nghĩ những ngành này sẽ phát triển trong trương lai và đây là mục tiêu mà nhà máy của chúng tôi sẽ nhắm tới.
Trong ba năm gân đây, tốc độ tăng trưởng trung bình của Tetra Pak tại Việt Nam đạt mức hai con số. Năm ngoái chúng tôi đã bán ra được khoảng 7,5 tỷ bao bì. Dù đây đã là con số khá lớn nhưng tôi tin tưởng sẽ còn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Sở dĩ vì, hiện các sản phẩm đóng hộp ở Việt Nam tương đối giống nhau, sản phẩm nào nhìn cũng na ná. Vì vậy Tetra Pak đang giới thiệu cho khách hàng các sản phẩm bao bì mới có thể tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của họ, ví dụ như thay đổi hình dạng hộp, có thêm nắp vặn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đối tượng khách hàng trẻ tuổi… thì thị trường và cơ hội phát triển cho chúng tôi sẽ là rất lớn.
Sự khác biệt của Tetra Pak là chúng tôi có thể cung cấp giải pháp trọn vẹn cho nhà cung cấp, cũng như cải tiến cho nhu cầu phát triển của khách hàng mà không có nhà cung cấp nào có thể thực hiện được.
Thanh Loan
Nguồn: VnEconomy