facebook

2017 - Năm của những ‘bom tấn khuấy động sàn chứng khoán

Vietnam Airlines, Vietjet Air, Petrolimex, VPBank và Vincom Retail chính là 5 'bom tấm' được kích hoạt trong năm 2017, giúp tăng đáng kể quy mô vốn hoá thị trường chứng khoán VN trong năm nay.

Nhờ sự bứt phá quá sức mạnh mẽ, thậm chí được các nhà đầu tư ví như ‘điên cuồng’ của hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn trên sàn như VNM, VIC, GAS, HPG, SAB, VCB và cả ROS, chỉ số VN Index đại diện cho Thị trường chứng khoán đã có mức tăng cao nhất lên đến 43% so với cuối năm 2016 vào đầu tháng 12. Việt Nam theo đó trở thành một trong những thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới. Thanh khoản thị trường cũng bùng nổ với những phiên giao dịch trên 5.000 tỷ đồng, so với quy mô chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng trong năm 2016.

TTCK Việt Nam tăng mạnh nhất khu vực (nguồn: VCSC)

Đặc biệt mức vốn hóa thị trường đã tăng lên gần 3.360 nghìn tỷ đồng, tăng 73% so với cuối năm 2016, tương đương 74,6% GDP và vượt qua kế hoạch 70% mà Quốc hội phê duyệt cho đến năm 2020. Riêng sàn quy mô vốn hóa của sàn HOSE có mức tăng 2/3 so với đầu năm lên gần 110 tỷ USD nhờ sự đóng góp tích cực của các NĐT nước ngoài. Điều này trái ngược hoàn toàn so với nỗi lo thiếu hụt dòng tiền hấp thụ nguồn cung mà của các NĐT hồi đầu năm nay.

Để đặt kết quả trên, bên cạnh sự tăng giá mạnh của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là sự giúp sức rất lớn từ cuộc đổ bộ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của hàng loạt cổ phiếu của doanh nghiệp lớn lớn lần đầu đặt chân lên sàn chứng khoán VN.

Theo tính toán của chúng tôi, chỉ 4 doanh nghiệp lớn mới chào sàn HoSE trong năm là VPBank, Petrolimex, Vietjet và Vincom Retail đang giúp vốn hóa thị trường tăng thêm gần 300.000 tỷ đồng.

Hàng không rủ nhau ‘cất cánh’

Ngay trong ngày giao dịch đầu tiên của năm 2017, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) đã mở màn cho làn sóng ‘ông lớn’ đổ bộ lên sàn chứng khoán. Gần 1,23 tỷ cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines chính thức giao dịch trên hệ thống đăng ký giao dịch chứng khoán chưa niêm yết UPCoM đã góp vào thị trường 1,5 tỷ vốn hoá, tính theo mức giá tham chiếu là 28.000 đồng/cp.

Với mức giá đóng cửa phiên 22/12 là 38.000 đồng/cp, cổ phiếu HVN đã tăng 36% so với giá khởi điểm, nâng vốn hóa của hãng hàng không lâu đời nhất VN lên trên 2 tỷ USD. Hiện Nhà nước vẫn đang sở hữu 86,16% vốn cổ phần của Vietnam Airlines và đang có kế hoạch thoái khoảng 430 triệu cổ phần để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 51% vốn điều lệ trong vòng 3 năm tới.

Cơ cấu cổ đông của HVN quá cô đặc khi bên cạnh cổ đông Nhà nước, cổ đông chiến lược từ Nhật Bản là Tập đoàn hàng không ANA HOLDINGS INC đang nắm giữ hơn 107,6 triệu cổ phần, tương đương 8,77%. Các nhà đầu tư cá nhân trong nước chỉ nắm giữ 13,4 triệu cổ phần tương ứng với tỷ lệ 1,09%. Do đó, HVN đang có kế hoạch chuyển từ sàn UpCom sang HOSE và bán cổ phiếu ra bên ngoài. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng kế hoạch này sẽ tạo thêm sức hút cho cổ phiếu HVN trong năm tới.

Nhà đầu tư đang kỳ vọng nhiều hơn đối với quá trình tư nhân hoá của HVN.

Không lâu sau HVN lên sàn, hãng hàng không tư nhân Vietjet Air cũng ‘nối gót’ trở thành ‘bom tấn’ lên sàn vào cuối tháng 2 năm nay. Thậm chí, với việc mang tính đại chúng cao hơn HVN, cổ phiếu VJC của Vietjet Air đã hút một lượng lớn nhà đầu tư tham gia mua cổ phần, đặc biệt là các tổ chức nước ngoài.

Với giá khởi điểm 90.000 đồng, vốn hóa của Vietjet đạt 27.000 tỷ đồng, tương đương 1,2 tỷ USD. Chưa đầy 1 năm lên sàn, cổ phiếu VJC đã tăng 54% lên gần chạm mức 140.000 đồng/cp. Cùng với việc phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, vốn hóa của Vietjet Air đã tăng 130% lên mức 2,8 tỷ USD chỉ trong vòng chưa đầy 10 tháng.

Có thể thấy, việc đưa cổ phiếu lên sàn trong bối cảnh thị trường sôi động cùng với những kết quả kinh doanh tích cực nhất từ trước đến nay nhờ nhu cầu tăng cao tại VN cùng sự hỗ trợ tích cực của giá nhiên liệu đã tạo động lực lớn giúp cổ phiếu của 2 ngành hàng không tại VN tăng giá mạnh.

"Đại gia" xăng dầu Petrolimex

Nổi bật nhất trong số những DNNN lên sàn trong năm nay có lẽ là cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Doanh nghiệp độc quyền phân phối xăng dầu chiếm ½ thị phần tại Việt Nam nhập sàn HOSE vào ngày 21/4/2017 với mức giá khởi điểm 43.200 đồng/cp, vốn hóa khi chào sàn của Petrolimex đạt 55.892 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD). Theo đó, Petrolimex hiển nhiên góp mặt trong nhóm 10 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán VN.

Mang theo hành trang là kết quả kinh doanh ấn tượng năm 2016 nhờ cơ chế tính giá thay đổi. Cổ phiếu PLX đã liên tục tăng mạnh sau khi chào sàn. Đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu PLX đã tăng 60% so với giá tham chiếu. Quy mô vốn hóa của PLX đã tăng lên mức 3,5 tỷ USD.

Petrolimex nắm những vị trí mặt bằng kinh doanh đắc địa tại các trung tâm thành phố lớn. 

Hiện tại, Bộ Công thương vẫn đang nắm giữ 75,87% cổ phần của Petrolimex và mục tiêu sẽ giảm xuống 51%. Hiện tại cổ đông chiến lược JX Nippon O&E - công ty cùng ngành đang chiếm 50% thị phần tại thị trường Nhật Bản sở hữu 8% của PLX.

Đại gia ngân hàng mới nổi’ VPBank

Năm 2017 có thể sẽ là năm thành công nhất đối với cổ phiếu của các ngân hàng với những đợt tăng mạnh của các cổ phiếu MBB, ACB. Tuy vậy, gây chú ý nhất chính là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Ngân hàng đi sau trong việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán nhưng lại có được kết quả ấn tượng nhất với mức vốn hoá cao nhất trong khối NH tư nhân.

Đưa hơn 1,3 tỷ cổ phiếu VPB lên sàn HOSE vào giữa tháng 8 với giá giam chiếu 39.000 đồng/cp, định giá của VPBank đạt gần 52 nghìn tỷ đồng và chễm chệ vị trí ngôi đầu trong nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân. Đến nay, vốn hóa của VPBank đã tăng thêm gần 10.000 tỷ đồng lên mức 2.65 tỷ USD.

VPBank nổi lên trở thành Ngân hàng tư nhân lớn nhất VN. 

Trong những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2016, VPBank nổi lên như là một hiện tượng của ngành ngân hàng với lợi nhuận cao chót vót. 9 tháng đầu năm nay, VPBank vươn lên vị trí thứ 3 toàn hệ thống ngân hàng tại VN với con số 5,6 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Dù có quy mô tài sản thấp hơn MBB, ACB và STB nhưng VPB đang có mức tăng trưởng tín dụng vượt trội với con số dư nợ tăng vọt từ 61.271 tỷ đồng năm 2013 lên mức 167.992 tỷ đồng cuối quý III/2017.

Thương vụ giao dịch "chấn động" trị giá 740 triệu USD của Vincom Retail

Đầu tháng 11, đợt niêm yết có quy mô 1,9 tỷ cổ phiếu của Công ty cổ phần Vincom Retail (VRE) – Công ty thành viên sở hữu và vận hành hệ thống trung tâm thương mại của Tập đoàn Vingroup (VIC) đã gây chấn động thị trường chứng khoán với lực cầu liên tục được đẩy vào thị trường nhưng vẫn không có sự xuất hiện của bên bán.

Đáng chú ý nhất là thương vụ chuyển nhượng 415 triệu cổ phần VRE của các nhà đầu tư ngoại diễn ra sau 1 ngày cổ phiếu VRE chào sàn HOSE. Tổng giá giao dịch lên đến 740 triệu USD thiết lập một kỷ lục mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam về thanh khoản của một CP nói riêng và toàn thị trường nói chung.

Với mức giá chào sàn 33.800 đồng, vốn hóa của Vincom Retail đạt khoảng 64.200 tỷ đồng, tương dương 2,8 tỷ USD tại thời điểm lên sàn. Đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu VRE đã tăng 41% nâng vốn hóa của Công ty này lên mức 4 tỷ USD. Theo đó, Vincom Retail đã trở thành doanh nghiệp tư nhân có vốn hóa chỉ xếp sau 5 ông lớn VNM, VIC, GAS, VCB, SAB trên thị trường chứng khoán VN.

VRE lên sàn và ghi dấn ấn với phiên giao dịch có giá trị lớn nhất từ trước đến nay.  

Hoàng Trung

Nguồn: Trí thức trẻ