facebook

Nông nghiệp hữu cơ được Nhà nước dành nhiều hỗ trợ

Chính phủ có nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ...

 

Nông nghiệp hữu cơ được Nhà nước hỗ trợ cao.

TRÂM ANH

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ, trong đó có nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ.

Cụ thể, theo Nghị định 109, Chính phủ sẽ hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ: Điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chính phủ cũng hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ do Tổ chức chứng nhận cấp (cấp lần đầu hoặc cấp lại); về hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ, định mức hỗ trợ thực hiện theo quy định của Chính phủ về khuyến nông.

Ngoài ra, Chính phủ cũng hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam, định mức hỗ trợ chi phí giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đối với mô hình trồng trọt; chi phí giống, thức ăn hữu cơ, thuốc thú y được phép sử dụng đối với mô hình chăn nuôi, thủy sản và chi phí nhân rộng mô hình theo quy định của Chính phủ về khuyến nông.

Tại Diễn đàn "Sản xuất nông nghiệp hữu cơ - Xu thế hội nhập quốc tế" diễn ra hồi cuối năm 2017, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một phương thức sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường và góp phần quan trọng để phục hồi, duy trì, bảo dưỡng hệ sinh thái tự nhiên cũng như sức khỏe con người. Phát triển nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng của thế giới và Việt Nam sẽ đón đầu xu hướng đó. 

Thế giới có 50,9 triệu ha được canh tác hữu cơ và tiềm năng thị trường tới 81,6 tỷ USD. 

Tại Việt Nam đến nay có 33/63 tỉnh, thành phố đã phát triển nhiều mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ với diện tích đạt hơn 76,6 nghìn ha, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010. Khoảng 60 tập đoàn, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ - lĩnh vực được xem là có nhiều thuận lợi để phát triển ở Việt Nam. 

Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp hữu cơ cũng gặp nhiều thách thức như đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do quy trình sản xuất khắt khe, phải có thời gian dài để cải tạo đất, chi phí sản xuất cao, thị trường cho sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ chưa ổn định.

Bên cạnh đó, số ít các doanh nghiệp được chứng nhận quốc tế, sản xuất hữu cơ của nhiều hộ nông dân dựa trên cơ sở tự nguyện, chưa có hệ thống giám sát chất lượng, lòng tin của người tiêu dùng chưa được đảm bảo.

Đặc biệt, thách thức lớn trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ là thiếu khung pháp lý đồng bộ cho sản xuất, chứng nhận.

Do đó, Nghị định 109/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 15/10/2018 có riêng một chương quy định về chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, ghi nhãn, lô gô, truy xuất nguồn gốc, kinh doanh, kiểm tra nhà nước về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản… sẽ hạn chế tình trạng tự chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên thị trường thời gian qua.

Nguồn: vneconomy.vn