facebook

Tăng mức đóng bảo hiểm từ 1/1/2018: Doanh nghiệp không bị ảnh hưởng và người lao động sẽ được hưởng lợi?

Lần lượt, ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, khẳng định mức đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp cho năm 2018 là không tăng nhiều, thậm chí với nhiều doanh nghiệp là không thay đổi.

Năm 2018 sắp tới được xem là năm nhiều chính sách quan trọng về tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với người lao động được đi vào thực thi. Trong số đó, vấn đề nâng mức đóng BHXH từ 1/1/2018 được quan tâm hơn cả.

Cụ thể, nếu trước 1/1/2018, cơ sở đóng BHXH cho người lao động gồm: mức lương cơ bản + các khoản phụ cấp thì từ 1/1/2018, cơ sở này sẽ là: mức lương cơ bản + các khoản phụ cấp + các khoản bổ sung khác.

Nói tại toạ đàm “Năm 2018, đóng và xử lý vi phạm về BHXH như thế nào?” của Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội Lê Quân cho biết việc làm này nhằm tránh trường hợp người lao động khi đi làm thì có thể có thu nhập tốt, nhưng về già nhận lương hưu thấp do mức đóng BHXH thấp.

Ông Quân cũng làm rõ, mức đóng mới không có nghĩa là đóng BHXH trên thu nhập của người lao động. Vì Thông tư 59 của Bộ Lao động có làm rõ 14 khoản (tiền xăng xe, điện thoại, ăn giữa ca…) không tính vào thu nhập BHXH.

“Mức đóng BHXH của doanh nghiệp cho năm 2018 là không tăng nhiều, thậm chí với nhiều doanh nghiệp là không thay đổi gì”, ông Lê Quân khẳng định.

Ý kiến của ông Lê Quân nhận được sự đồng tình của ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Nguyên nhân ông Lợi cho biết đến năm 2017, các khoản chính yếu về cơ bản đã được dùng làm mức đóng BHXH, còn các khoản bổ sung khác trong năm 2018 không có gì thay đổi lớn.

“Có thể xuất hiện trường hợp các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty biến tiền lương thành phụ cấp lương có tính chất tiền lương thì chúng ta phải tính toán lại”, ông nói và trấn an “các doanh nghiệp hoàn toàn yên tâm vì trong năm 2018 hoàn toàn không có biến động lớn”.

Bên cạnh đó, ông Lợi cũng khẳng định người lao động sẽ được hưởng lợi từ chính sách mới này. Theo ông, dù tỷ trọng đóng BHXH rất cao nhưng người lao động được hưởng ít là vì đóng trên nền thấp.

Theo thống kê, mức đóng BHXH bình quân chỉ ở mức 4,3 triệu đồng/tháng/người, nhỉnh hơn một chút so với lương tối thiểu là 3,98 triệu đồng/tháng/người.

Ông Bùi Sỹ Lợi cũng nói thêm rằng với 2,3 triệu người đang hưởng lương hưu hiện nay thì tổng tiền đóng chỉ có thể chi trả được cho những người này chỉ trong 10 năm, trong khi đó, tỷ lệ hưởng bình quân lại là 24 năm. Nghĩa là quỹ lương hưu sẽ bị thâm hụt nghiêm trọng.

“Kêu tỷ trọng đóng cao nhưng nền đóng thấp khiến quỹ không tăng trưởng, đảm bảo hết yêu cầu cuộc đời của người lao động”, ông Lợi nói.

Dù vậy, doanh nghiệp, chuyên gia và người lao động đang có góc nhìn khác so với các cơ quan chức năng.

Trên bàn nghị sự của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2017 (VBF), Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh quy định đóng BHXH bắt buộc với các khoản bổ sung sẽ làm tăng chi phí cho các người sử dụng lao động.

Đồng thời, việc tăng hoặc giảm mức đóng BHXH khi có biến động về thu nhập cũng làm tăng thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp tham gia BHXH bắt buộc khi họ phải đóng BHXH đối với các khoản bổ sung khác.

Một đại diện công ty dệt may dù không nói chi tiết những tác động của chính sách mới nhưng lặp đi lặp lại: “Tất nhiên là ảnh hưởng, ảnh hưởng nhiều là đằng khác”.

Ông Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Mekong thì bày tỏ quan ngại với Trí Thức Trẻ khi cho rằng sẽ có nhiều người lao động bị tổn thương do bị chuyển từ khu vực chính thức theo định nghĩa của Tổ chức Lao động quốc tế (công việc bền vững, có hợp đồng dài hạn) sang khu vực phi chính thức (hợp đồng thời vụ…) để lách luật và như vậy các quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN của họ không còn. Như vậy, người lao động không được bảo vệ.

Còn doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thâm dụng lao động bao gồm dệt may, xây dựng, thì họ cũng khó phát triển và trở thành doanh nghiệp có quy mô lớn do chí phí về lao động tăng cao.

Đối với người lao động, trong thời gian gần đây đã ghi nhận một báo động khi lượng người rút BHXH một lần tăng cao. Số liệu từ cơ quan BHXH Việt Nam cho biết trong 9 tháng của năm 2017, đã có 530.000 được giải quyết hưởng trợ cấp 1 lần. Các ghi nhận trước đó cũng cho thấy trung bình mỗi năm có từ 600.000 – 700.000 người nhận BHXH một lần khiến cho số người đóng BHXH chỉ quanh quẩn 13 triệu, thậm chí giảm trong tương lai.

Điều này được ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia của Viện Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) nói với Trí Thức Trẻ là “người lao động đang sụt giảm niềm tin vào quỹ BHXH”.

Ông Đồng cho rằng việc gia tăng mức đóng trong năm 2018 nhằm đảm bảo nguồn thu của Quỹ nhưng cơ bản đây chỉ là phương án tạm thời, không bền vững. Tận gốc rễ của câu chuyện này, ông Đồng nhận định cần phải minh bạch hoá việc thu, chi của BHXH. Bên cạnh đó, BHXH cần phải tinh giản hoá bộ máy hành chính vốn được World Bank đánh giá là tiêu tốn chi phí ở mức khá cao với biên độ dao động cho cho chỉ số chi nhân viên trong tổng chi hoạt động lên đến 68% tổng chi thường xuyên (năm 2012). “Hiện trạng đó sẽ “ăn” vào phần chi trả lương hưu cho người đóng”, theo ông Nguyễn Quang Đồng.

Đức Minh

Nguồn: Trí thức trẻ