facebook

Công nghệ – Viễn thông

Trong môi trường thay đổi liên tục, các công ty phần mềm và công nghệ cần một công ty kiểm toán và tư vấn hiểu được những thách thức và cơ hội, cũng nhưa là các điều kiện tạo ra chúng.

Thị trường viễn thông Việt Nam: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp

Năm 2016, số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, doanh thu lĩnh vực viễn thông đạt 365.500 tỷ đồng (16,5 tỷ USD), tăng 7,5% so với năm 2015, đóng góp khoảng 27,32% vào tổng doanh thu toàn Ngành. Về tổng nộp ngân sách nhà nước, lĩnh vực viễn thông năm 2016 đạt 50.396 tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2015 và đóng góp khoảng 34,54% vào tổng nộp ngân sách nhà nước của Ngành. Từ việc đánh giá thực trạng của các doanh nghiệp viễn thông, bài viết đưa ra các đề xuất giúp các doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh và bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

Những kết quả quan trọng

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2016, toàn Ngành đạt doanh thu 1.337.857 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 9,36% so với 2015, nộp ngân sách nhà nước (NSNN) toàn Ngành ước 145.915 tỷ đồng, đạt 109,06% so với kế hoạch năm và đóng góp khoảng 14,38% vào tổng thu cân đối NSNN năm 2016.

Doanh thu lĩnh vực viễn thông ở mức 365.500 tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2015, đóng góp khoảng 27,32% vào tổng doanh thu toàn Ngành năm 2016. Về tổng nộp NSNN, lĩnh vực viễn thông năm 2016 đạt 50.396 tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2015 và đóng góp khoảng 34,54% vào tổng nộp NSNN của Ngành. Ba nhà mạng lớn là VNPT, MobiFone và Viettel hoàn thành kế hoạch đề ra. Cụ thể:

- Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT): Tổng doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn ước đạt 53.770 tỷ đồng, đạt 101,2% kế hoạch, tăng 6,3% so thực hiện năm 2015. Trong đó, doanh thu viễn thông - công nghệ thông tin đạt 48.380 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2015. Tổng nộp NSNN toàn Tập đoàn VNPT năm 2016 ước 3.600 tỷ, đạt 100,3% kế hoạch, tăng 1,4% so với thực hiện năm 2015.

- Tổng công ty Viễn thông MobiFone: Thuê bao phát triển mới của MobiFone đạt 19 triệu thuê bao, vượt 1,1% kế hoạch đặt ra năm 2016 và tăng trưởng 11% so với năm 2015. Doanh thu ước đạt 38.439 tỷ đồng, đạt 107,2% kế hoạch năm, tăng trưởng 14,5% so với năm 2015. Lợi nhuận trước thuế năm 2016 ước đạt 5.204 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu ước đạt 25,6%, nộp NSNN ước đạt 4.593 tỷ đồng.

- Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel: Doanh thu đạt 226.558 tỷ, hoàn thành 100% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế của nhà mạng đạt 43.200 tỷ, hoàn thành 101% kế hoạch; Nộp NSNN 40.396 tỷ, hoàn thành 105% kế hoạch; Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu 34,1%, hoàn thành 100,4% kế hoạch. Trong năm 2016, nhà mạng Viettel tăng thêm 7,4 triệu thuê bao, lũy kế toàn mạng 90 triệu thuê bao (trong nước 62,3 triệu; nước ngoài 27,7 triệu thuê bao).

Theo đánh giá, các nhà mạng tuy đã hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm 2016 nhưng bức tranh tăng trưởng lợi nhuận lại hoàn toàn khác nhau. Cụ thể, Viettel đạt lợi nhuận trước thuế 43.200 tỷ đồng, giảm 2.600 tỷ đồng so với năm 2015. MobiFone đạt lợi nhuận trước thuế 5.204 tỷ đồng, giảm 2.191 tỷ đồng so với năm trước. VNPT đạt 4.380 tỷ đồng, tăng khoảng 900 tỷ, tương đương tăng hơn 20% so với năm 2015.

Nhận diện thách thức năm 2017

Bên cạnh những cơ hội, năm 2017 tiếp tục là một năm tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp (DN) viễn thông Việt Nam trong mục tiêu giữ vững thị phần, đảm bảo mục tiêu doanh thu và phát triển bền vững, cụ thể:

Một là, triển khai thương mại mạng 4G.

Hiện tại, Việt Nam đã có tên trên bản đồ 4G của thế giới với việc có 4 nhà mạng là VNPT, Viettel, MobiFone và Gtel đã có giấy phép kinh doanh 4G từ tháng 10/2016. Hiện ba nhà mạng là Viettel, VNPT, MobiFone thực hiện triển khai thương mại trên cả nước 4G từ đầu năm 2017 sau giai đoạn thử nghiệm những tháng cuối năm 2016. Với dịch vụ mới 4G, nhà mạng có thể tăng được doanh thu trong khi người dân sẽ có cơ hội trải nghiệm các dịch vụ chưa từng có ở Việt Nam. Bên cạnh đó, băng rộng 4G không chỉ tác động tới riêng các nhà mạng mà còn có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế quốc gia vì theo tính toán, nếu mật độ băng rộng tăng 10% thì GDP quốc gia tăng tương ứng 1% nên sẽ được Chính phủ khuyến khích, quan tâm hỗ trợ.

Tuy nhiên, để có được những điều trên, tất cả các nhà mạng Việt Nam phải vượt qua nhiều thách thức, cụ thể:

- Phải giải được bài toán doanh thu và chi phí khi triển khai 4G: Trong khi doanh thu chưa thể đoán định thì chi phí là lại hiện hữu do việc triển khai hạ tầng mạng đòi hỏi nguồn vốn đầu tư và tiềm lực vốn mạnh. Việc thu hồi vốn nhanh hay chậm sẽ tác động tới kế hoạch triển khai cũng như phạm vi triển khai của từng nhà mạng. Cũng giống như 3G, các nhà mạng sẽ phải lựa chọn giữa việc chỉ triển khai tại các thành phố lớn để thu hồi vốn nhanh và triển khai diện rộng và chấp nhận thu hồi vốn chậm. 

- Hiện nay, hầu hết các thiết bị đầu cuối sản xuất trước năm 2013 đều không hỗ trợ chuẩn 4G: Việt Nam hiện có hơn 136 triệu thuê bao di động, trong đó có 37 triệu thuê bao đăng ký sử dụng các dịch vụ 3G và chỉ có 5% trong số này sở hữu thiết bị đầu cuối tương thích công nghệ 4G. Điều này dẫn tới thách thức là có mạng 4G nhưng người dân không thể sử dụng với thiết bị đang dùng và việc thay thế một thiết bị mới sẽ là trở ngại do việc họ sẽ phải cân nhắc giữa chi phí để đổi thiết bị khác có hỗ trợ 4G với lợi ích mà 4G mang lại.

- Giá cước dịch vụ 4G: Kinh nghiệm từ các quốc gia đã triển khai 4G như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… thì đơn giá trên một Mb của 4G không cao hơn 3G nhưng tổng mức chi trả thì cao hơn do dung lượng tiêu tốn của 4G lớn hơn. Cụ thể, ví dụ giá cước 3G hiện nay cho gói thông dụng tại Việt Nam khoảng 1.000 đồng/Mb. Như vậy, khi như các nhà mạng Việt Nam cung cấp mức giá 1.000 đồng/Mb cho dịch vụ 4G với dung lượng ở tốc độ cao là 1.000Mb, thì tổng mức chi trả hàng tháng của khách hàng là 100.000 đồng/tháng. Như vậy, công nghệ 4G cần được phổ cập cho số đông nên giá thành sẽ rẻ nhờ lợi thế quy mô cũng như việc tạo ra các gói cước linh hoạt để khách hàng sử dụng với chi phí hợp lý nhất sẽ là hướng đi chủ đạo của các DN viễn thông.

Nhu cầu sử dụng băng rộng ở khu vực ngoài thành phố rất cao, vấn đề còn lại là việc tạo ra các gói cước khiến 4G cũng trở thành dịch vụ phổ cập để cho mọi tầng lớp xã hội đều có cơ hội sử dụng. Để triển khai 4G rộng như 2G sẽ cần phải có nguồn lực tài chính mạnh và Viettel đã chuẩn bị cho việc đầu tư chiến lược này khi đang là mạng lớn nhất và có doanh thu lớn nhất trên thị trường Việt Nam (hơn 10 tỷ USD).

Hiện giá thiết bị 4G và 3G đã tương đương nhau nên người dân không có trở ngại gì trong việc sở hữu 1 chiếc smartphone 4G do GDP bình quân đầu người đã tăng gấp đôi so với năm 2008 (thời điểm phổ cập 2G) và Viettel có lợi thế là đã sản xuất được thiết bị 4G. Về giá cước, cũng như các nhà mạng khác, Viettel cam kết đưa ra gói cước 4G rẻ hơn 3G và để triển khai 4G diện rộng, Viettel sẽ áp dụng chính sách kiểu “buffet” cho các gói cước tốc độ cao của dịch vụ dữ liệu nói chung (gồm cả 3G và 4G).

Theo đó, khách hàng tùy vào nhu cầu của cá nhân chỉ cần trả một số tiền nhất định (thấp hơn so với các gói cước hiện nay) là sẽ được sử dụng dữ liệu tốc độ cao không giới hạn dung lượng.

Hai là, chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao.

Dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số là dịch vụ của nhà mạng cho phép thuê bao đang ở mạng này nếu thấy mạng khác có nhiều dịch vụ hấp dẫn hơn, hoặc chất lượng dịch vụ, vùng phủ sóng tốt hơn có thể chuyển sang làm thuê bao mạng mới mà vẫn giữ nguyên số điện thoại của mình.

Chính sách chuyển mạng giữ số (MNP) được cho là sẽ tạo ra một thị trường viễn thông cạnh tranh mạnh mẽ giữa các DN, chất lượng dịch vụ sẽ tăng, các sản phẩm giá trị gia tăng sẽ phong phú và sáng tạo nhằm thu hút người dùng, trong khi đó giá cước dịch vụ sẽ giảm. Tuy nhiên, chính sách này đặt ra nhiều thách thức do tính phức tạp trong hạ tầng kỹ thuật và công tác quản lý.

Theo đó, các hãng viễn thông cần xem xét một kế hoạch kinh doanh chi phí-lợi ích tổng thể. Những chi phí liên quan đến việc thay đổi, nâng cấp hệ thống mạng lưới kỹ thuật, cải tiến phần mềm và quản lý các thuê bao rời, chuyển mạng cần phải được tính toán kỹ càng.

Ngoài ra, nếu kéo dài khoảng thời gian thực hiện dịch vụ sẽ nảy sinh một số chi phí và bất tiện cho người dùng, hoặc đơn giản sẽ không khuyến khích họ đến với dịch vụ MNP. Tuy nhiên, nếu quá vội vàng, nhà mạng có thể không đủ thời gian đảm bảo ngăn ngừa mọi trục trặc có thể xảy ra, như chất lượng cuộc gọi, cước phí, hay thậm chí những gian lận tiềm ẩn.

Theo quy định mới, dịch vụ chuyển mạng thông tin di động giữ nguyên số thuê bao sẽ được triển khai theo lộ trình mới với thời gian kết nối thử nghiệm dịch vụ kéo dài ít nhất 6 tháng (hoàn thành trước ngày 30/6/2017) và thời gian cung cấp dịch vụ chính thức trước ngày 31/12/2017 nhằm để tạo điều kiện cho DN, Cục Viễn thông đầu tư nâng cấp mạng lưới đồng thời thống nhất quy trình, phương án kỹ thuật đảm bảo cung cấp dịch vụ chất lượng tốt nhất cho người sử dụng.

Như vậy, các thách thức mà mỗi nhà mạng phải đối mặt nhằm giữ thị phần của mình ngoài những vấn đề nói trên sẽ là phải liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp (hạ tầng mạng); Chú trọng công tác chăm sóc khách hàng; Xây dựng các gói cước hợp lý phù hợp với từng đối tượng khách hàng…

Ba là, đổi mới phương thức kinh doanh dịch vụ viễn thông.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường dịch vụ viễn thông năm 2017 sẽ rơi vào bão hòa, việc cạnh tranh giữa các nhà mạng để phát triển thuê bao và tăng thị phần sẽ ngày càng khốc liệt. Đặc biệt, trong bối cảnh Bộ Thông tin và Truyền thông siết chặt quản lý thông tin thuê bao trả trước, ngăn chặn SIM “rác” (thu hồi hơn 15 triệu sim rác cuối năm 2016) và dịch vụ giá trị gia tăng “bẫy” người tiêu dùng quyết liệt trong thời gian vừa qua thì việc phát triển thuê bao di động và phấn đấu tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận của các DN viễn thông Việt Nam trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Để giữ chân được khách hàng cũ và phát triển được thuê bao mới chỉ còn cách buộc nhà mạng phải nâng cao chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng; đổi mới phương thức kinh doanh dịch vụ viễn thông.

Theo đó, các DN viễn thông cần phải thấy rõ rằng mô hình kinh doanh viễn thông cố định và di động hiện nay của Việt Nam là không phù hợp với xu thế chung của thế giới. Hiện đang có sự tách bạch giữa DN cung cấp dịch vụ viễn thông và DN kinh doanh thiết bị đầu cuối. Tại thị trường viễn thông thế giới, đặc biệt là các nước phát triển (Nhật, Mỹ, Anh, Pháp...) các nhà mạng khi cung cấp dịch vụ viễn thông cũng đồng thời là nhà cung cấp thiết bị đầu cuối (máy điện thoại) cho khách hàng.

Do vậy, khách hàng sử dụng thuê bao di động khi ký hợp đồng với DN viễn thông theo các loại hợp đồng (12 tháng/24 tháng) sẽ căn cứ vào nhu cầu sử dụng dịch vụ của mình để lựa chọn gói cước phù hợp với khả năng chi trả hàng tháng của mình. Với các gói cước mà khách hàng lựa chọn, DN viễn thông sẽ tiếp tục đầu tư và duy trì thị phần của mình.

Đổi lại, khách hàng khi đã bảo đảm chi trả khoản cước phí hàng tháng sẽ được hưởng lợi từ DN viễn thông căn cứ vào nhu cầu sử dụng dịch vụ của mình: số phút/tin nhắn/dịch vụ dữ liệu miễn phí, các dịch vụ giá trị gia tăng miễn phí: mạng xã hội, Video... hay thậm chí là cả thiết bị đầu cuối hiện đại của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới.

Khi xây dựng chính sách kinh doanh, DN viễn thông nên xoá bỏ cước thuê bao hàng tháng hiện nay với thuê bao di động trả sau, thuê bao điện thoại cố định hoặc chuyển sang thành số phút gọi/tin nhắn nội/ngoại mạng miễn phí hoặc gói cước dữ liệu mạng miễn phí hàng tháng; Xây dựng các gói cước thoại và tin nhắn miễn phí dành cho cả thuê bao trả trước và trả sau nhằm cạnh tranh với dịch vụ OTT (dịch vụ nội dung trên nền mạng viễn thông); Xây dựng gói cước Bundles (tích hợp Internet- Truyền hình cáp – Viễn thông cố định/di động) cho các nhóm đối tượng khách hàng khác nhau với giá cước hợp lý nhằm tận dụng các lợi thế về hạ tầng mạng viễn thông hiện nay để cạnh tranh với các DN cung cấp dịch vụ truyền hình (cáp, số, vệ tinh)...

TS. Vũ Trọng Phong

Nguồn: Tạp chí tài chính

 

Tải bản đầy đủ

Võ Hùng Tiến

Tổng giám đốc, kiêm chủ tịch tập đoàn

Chúng tôi không ngừng đem lại lợi ích cao nhất cho khách hàng, nhân viên, nhà đầu tư và toàn xã hội.

insights