facebook

Công nghiệp

Sản xuất công nghiệp là xương sống của quốc gia. Sự hiểu biết về xu hướng đầu tư, mua bán & sáp nhập,bán hàng và vận hành, hoạch định tích hợp kinh doanh tạo nên sự khác biệt của chúng tôi.

Áp lực kép cho ngành bao bì

Ngành hàng thực phẩm phát triển mạnh khiến lĩnh vực bao bì đóng gói luôn đạt mức tăng trưởng bình quân 15 - 20%/năm. Riêng bao bì nhựa đã đạt mức tăng trưởng 25%/năm.

Cơ hội này dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp sản xuất bao bì trong và ngoài nước. Và, trong cuộc đua tranh ấy, phần thua luôn nghiêng về doanh nghiệp Việt.

Doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tỏ ra đuối sức khi phải chịu áp lực kép: vừa phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài vừa bị lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu và yếu thế trong cuộc chạy đua kỹ thuật, máy móc công nghệ cao...

Theo thông tin từ Hãng Nghiên cứu thị trường Euromonitor, nhu cầu bao bì thực phẩm tại Việt Nam trong năm 2015 là 3,915 triệu tấn, vào năm 2020 sẽ là 5,396 triệu tấn, tăng 38%, trong khi nhu cầu của toàn thế giới trong giai đoạn 2015 - 2020 chỉ tăng 13%.

Cơ hội mở

Chia sẻ tại Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp sản xuất và đóng gói thực phẩm, đồ uống và dược phẩm tại Việt Nam (ProPak Vietnam 2017) vừa tổ chức cuối tháng 3 tại TP.HCM, ông BT Tee - TGĐ Công ty Dịch vụ triển lãm SES Việt Nam cho biết: "Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm đóng gói, đồ uống đóng chai và dược phẩm ngày càng tăng cao tại Việt Nam. Dự báo xuất khẩu những mặt hàng này sẽ phát triển mạnh, dẫn đến nhu cầu sử dụng bao bì sẽ rất lớn".

 

Bao bì giấy đóng vai trò quan trọng trong ngành chế biến thực phẩm. Ảnh: Lê Toàn.

Ông Robert Graves - TGĐ Công ty CP Tetra Pak Việt Nam chia sẻ: "Việt Nam nằm trong top 10 thị trường lớn nhất của Tetra Pak. Năm ngoái, Tetra Pak cung cấp khoảng 7,5 tỷ bao bì cho thị trường trong nước, đạt mức tăng trưởng 2 con số so với năm trước đó và nhanh nhất trong 25 năm qua, trong đó nhiều nhất là bao bì cho ngành sữa, các loại nước hoa quả, rượu vang".

Tuy không chia sẻ con số cụ thể nhưng bà Nhan Húc Quân - TGĐ Công ty TNHH Bao bì giấy nhôm New Toyo tiết lộ: "Những năm qua, dù không tăng trưởng đột biến nhưng biểu đồ kinh doanh của New Toyo luôn đi lên".

Cũng theo bà Quân, do chi phí sản xuất tại Việt Nam thấp hơn so với Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, cộng với nhu cầu bao bì ngành F&B tăng nhanh, nên các tập đoàn nước ngoài, nhất là Trung Quốc tiếp tục vào Việt nam đầu tư trong lĩnh vực này. Đơn cử mới đây, Công ty Lee & Man (Trung Quốc) đã đầu tư 280 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất giấy bao bì có công suất 420.000 tấn/năm.

Theo dự báo của ông Robert Graves, 2 năm nữa, nhu cầu sử dụng bao bì trong các ngành thực phẩm, đồ uống còn nhiều dư địa tăng trưởng do mức tiêu thụ sản phẩm từ sữa, trái cây đóng hộp tiếp tục tăng.

Cũng theo dự báo của Tetra Pak, năm 2015 mức tiêu thụ sữa của người Việt Nam là 25 lít/người, năm 2020 sẽ tăng lên 28 lít, cho thấy tiềm năng thị trường bao bì sữa tại Việt Nam còn lớn, trong đó, bao bì giấy cứng chiếm 62,2% và bao bì nhôm chiếm 23,3%.

Riêng các loại thực phẩm lỏng khác với khoảng 3,3 tỷ lít, chưa kể ngành công nghiệp xà phòng, dầu gội, sữa tắm, gia vị cũng có khả năng phát triển doanh số đến 351 tỷ USD trong năm 2018.

Doanh nghiệp Việt đuối sức

Theo bà Nhan Húc Quân, các doanh nghiệp bao bì FDI có nhiều lợi thế hơn doanh nghiệp trong nước. Máy móc, công nghệ của họ rất hiện đại, dây chuyền sản xuất khép kín từ A đến Z, hầu hết tự động hóa nên chi phí thấp và năng suất rất cao.

Bấy nhiêu cũng đủ lợi thế hơn doanh nghiệp nội về giá thành, nhất là từ tháng 2 đến nay, giá giấy nguyên liệu biến động qua 2, 3 chu kỳ và nay đang tăng tới 10%. Thực tế cho thấy, với các loại bao bì đòi hỏi chất lượng cao, thị phần hiện vẫn tập trung vào các công ty nước ngoài như Tetra Pak (Thụy Điển), Combibloc (Đức)...

Cũng theo bà Quân, ngoài áp lực công nghệ và dây chuyển đủ yếu tố an toàn thực phẩm thì việc chạy theo nhu cầu thị trường và cạnh tranh giá cũng thêm áp lực cho Doanh nghiệp trong nước. Ví dụ, thay vì phải dùng sản phẩm với bao bì bỏ đi thì người tiêu dùng thích chọn mua sản phẩm mà sau khi dùng, bao bì có thể trở thành vật dùng khác, vì vậy, dây chuyền sản xuất bao bì giấy mà New Toyo nhập về phải thay đổi, phải mua thêm thiết bị sản xuất các loại bao bì 50% giấy, 50% nhựa.

Chia sẻ thêm về áp lực cạnh tranh, ông Trần Quang Minh - Giám đốc Công ty Bao bì Thu Quang cho rằng, nhu cầu bao bì cho ngành dược phẩm còn nhiều tiềm năng phát triển.

Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp FDI đều nhập bao bì từ nước ngoài, một số sử dụng bao bì trong nước thì lại coi bao bì chỉ là một công đoạn phụ trợ trong sản phẩm, không cần bao bì quá đẹp để thu hút người dùng như các sản phẩm tiêu dùng nên luôn đòi hỏi doanh nghiệp cung ứng phải hạ giá thành.

Thường một năm, các công ty dược FDI xem xét đơn giá để chọn nhà cung ứng giá tốt nhất. Vì vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường bị động kế hoạch sản xuất và tích trữ nguồn nguyên liệu do không có các hợp đồng lớn lâu dài, ổn định.

Với doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa, áp lực nữa là nguyên liệu đầu vào nhập khẩu lên đến 70 - 80%, việc áp thuế nhập khẩu hạt nhựa PP lên mức 3% tác động trực tiếp vào giá thành sản phẩm, kéo theo năng lực cạnh tranh giảm so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Đặc biệt, ngành bao bì nhựa chiếm tới 90% thị phần là các doanh nghiệp Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Họ có nhiều lợi thế về công nghệ, giá nguyên liệu, đầu ra sản phẩm, thị trường xuất khẩu. Điều đó càng tạo sức ép cạnh tranh không nhỏ cho các doanh nghiệp nội, nhất là ở "miếng bánh" xuất khẩu "có ăn" nhất của ngành bao bì nhựa là thị trường Mỹ, Nhật.

Hiện Mỹ chiếm tới 60% xuất khẩu bao bì nhựa của Việt Nam và Nhật là 15%. Thời gian tới, có thể thị trường Nhật sẽ gia tăng nhập khẩu nhựa bao bì từ Việt Nam thay cho các công ty bao bì Trung Quốc. Và phần gia tăng này có nguy cơ lọt vào tay các doanh nghiệp ngoại.

Ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Công ty Nam Thái Sơn cũng cho rằng: "Áp lực lớn nhất của các doanh nghiệp trong nước là phải thường xuyên đầu tư để cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI trong ngành. Việc chạy đua đầu tư là tất yếu nhưng vấn đề là tài chính. Cùng mua công nghệ của một nhà cung cấp, cùng sử dụng nhân công, cùng quy mô nhà máy như nhau nhưng các doanh nghiệp nước ngoài vay vốn ở nước họ chỉ từ 2 - 4%, thậm chí được hỗ trợ 0%, còn doanh nghiệp trong nước phải vay trung hạn với lãi suất 12%. Mặc dù các doanh nghiệp FDI gia nhập thị trường Việt Nam sau các doanh nghiệp trong nước, nhưng họ có kinh nghiệm về quản trị, tài chính mạnh lại được sự hỗ trợ từ các công ty mẹ, thậm chí chấp nhận lỗ từ 3 - 5 năm để chiếm lĩnh thị trường, trong khi doanh nghiệp nội địa chỉ cần lỗ 1, 2 năm là phải đóng cửa. Chưa kể, lợi thế của các doanh nghiệp FDI là nguồn khách hàng từ các nước của họ khi vào Việt Nam cũng sẽ tìm công ty cung ứng cùng quốc gia để hợp tác nên doanh nghiệp nội địa rất khó tiếp cận các khách hàng này. Rõ ràng trong sân chơi này, doanh nghiệp nước ngoài có nhiều lợi thế cạnh tranh và tạo sức ép rất lớn cho các doanh nghiệp nội".

Với nhiều lợi thế đã phân tích, ông Việt Anh kiến nghị: "Chính sách khuyến khích các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam của Chính phủ cũng cần chọn lọc, không nên khuyến khích những ngành mà doanh nghiệp trong nước đang làm được và thậm chí làm tốt, bởi các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam cũng sử dụng công nghệ, nhân công, quy mô nhà xưởng như doanh nghiệp trong nước thì cũng sẽ không tạo ra sự khác biệt mà ngược lại càng làm cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước bị nhiều áp lực và khó thêm".

Đánh giá về năng lực của các doanh nghiệp trong nước, ông Huỳnh Đạt - Giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nhật cho biết: Cách đây 3 - 5 năm, nhiều doanh nghiệp trong nước muốn có bao bì đẹp, chất lượng đều phải đặt ở Thái Lan, Singapore, Indonesia...nnhưng hiện nay, đa số các doanh nghiệp bao bì trong nước đều đủ năng lực đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Đơn cử, chúng tôi đang gia công bao bì của Công ty bao bì Tân Tiến Toàn Phát với chất lượng tốt, sắc sảo, không thua kém và rẻ hơn công ty nước ngoài. Tuy nhiên, do phải nhập nguyên liệu giấy bằng ngoại tệ với giá luôn biến động, trong khi đồng Việt Nam lại ổn định nên các doanh nghiệp bao bì trong nước nói chung và Tân Tiến Toàn Phát không chủ động được giá nguyên liệu, đôi lúc bị động thời gian do nguyên liệu về trễ hoặc khan hiếm khiến năng lực cạnh tranh giảm".

Chính vì sợ bị động nguồn hàng nên hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang phải cùng lúc sử dụng 2, 3 công ty cung ứng. Ông Nguyễn Lâm Viên - TGĐ Công ty Vinamit chia sẻ: Bao bì chính là bộ mặt của sản phẩm, đồng thời cũng là phương tiện để bảo quản sản phẩm, tạo lực hút, lực kéo cho khách hàng, vì vậy, các doanh nghiệp hiện nay rất ý thức đầu tư cho bao bì. Cụ thể, Vinamit luôn dành kinh phí từ 5 - 10% cho chi phí đầu tư bao bì, thông thường, chi phí này chỉ dành cho marketing. Điều đáng mừng là các doanh nghiệp bao bì nội địa hiện nay đã đủ năng lực "đi theo" nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, Vinamit vẫn phải cùng lúc chọn 2 đối tác để tránh rủi ro những lúc cao điểm doanh nghiệp không đáp ứng kịp. Bên cạnh đó, năng lực và thế mạnh của mỗi doanh nghiệp bao bì cũng khác nhau".

Trên thực tế, việc chọn nhiều đơn vị gia công bao bì cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đơn cử như câu chuyện của các doanh nghiệp sữa, khi đặt gia công ở 2 công ty bao bì khác nhau, dù mẫu mã y chang nhưng do thiết kế máy và dập khác nhau nên khi ra sản phẩm, người tiêu dùng tưởng nhầm là hàng giả. Hậu quả là các doanh nghiệp này đã phải chi tiền cho quảng cáo để khẳng định sản phẩm đúng là của công ty mình sản xuất.

Song, với những bao bì đòi hỏi chất lượng cao để bảo quản sản phẩm thực phẩm thì hiện nay vẫn rất ít doanh nghiệp Việt sản xuất được. Chẳng hạn như bao bì sữa vẫn là "mảnh đất riêng" của các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, các loại bao bì giấy có PE chống thẩm thấu hay loại túi có yêu cầu vừa xếp hông vừa có zipper kéo lại khi sử dụng chưa hết thì các doanh nghiệp Việt cũng chưa làm tốt như nước ngoài.

Lữ Ý Nhi

Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn 

Tải bản đầy đủ

Võ Hùng Tiến

Tổng giám đốc, kiêm chủ tịch tập đoàn

Chúng tôi không ngừng đem lại lợi ích cao nhất cho khách hàng, nhân viên, nhà đầu tư và toàn xã hội.

insights
img

Bức tranh ngành thép 9 tháng đầu năm

Cùng với tăng trưởng về kết quả kinh doanh, lượng hàng tồn kho trong 9 tháng của các doanh nghiệp cũng tăng 28%, đạt 28.330 tỷ đồng. Hòa Phát có mức tồn kho cao nhất với 11.120 tỷ đồng.

Nền kinh tế tuần hoàn

Ngày nay, châu Âu nhắm tới việc chuyển từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn.

img

Báo cáo về nhựa ở châu Âu năm 2016

Báo cáo về nhựa ở châu Âu là một bài phân tích về dữ liệu liên quan tới việc sản xuất, nhu cầu và việc quản lý chất thải của những vật liệu nhựa. Nó chung cấp những thông tin mới nhất về việc sản xuất, như cầu, giao dịch, sự phục hồi cũng như là tình trạng việc làm và doanh số của ngành nhựa.

img
img

Báo cáo ngành bia 2017

Mức độ cạnh tranh sẽ tiếp tục gia tăng với sự đổ bộ ồ ạt của các hãng bia ngoại; tuy nhiên sự kiện Nhà nước thoái vốn khỏi hai Tổng công ty và xu hướng tiêu thụ cao cấp hóa sẽ là động lực chính thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng cho toàn ngành.

img

Doanh nghiệp bao bì đón cơ hội với đà tăng trưởng ngành sữa Việt

Ngành sữa Việt Nam đang được xem ở “thời kỳ vàng”, là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất sữa, các doanh nghiệp phụ trợ...

Báo cáo ngành nhựa 2017

Cạnh tranh trong ngành sẽ tiếp tục gia tăng với sự tham gia của những đối thủ mới, tuy nhiên đầu vào tiếp tục duy trì việc hưởng lợi từ xu hướng giá nguyên liệu toàn cầu và nhu cầu đầu ra ổn định sẽ là động lực chính cho tăng trưởng toàn ngành.

img
img

Báo cáo ngành thép 2017

Tăng rào cản gia nhập nên các doanh nghiệp thép đầu ngành sẽ có điều kiện để tiếp tục phát huy lợi thế quy mô của mình. Các doanh nghiệp nhỏ, kém cạnh tranh muốn duy trì hoạt động phải đầu tư tăng quy mô hoặc thông qua hoạt động M&A. Đây là mấu chốt để tháo gỡ khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp thép nội địa. Thách thức nhiều hơn cũng đồng nghĩa với cơ hội nhiều hơn.