Những biến động của ngành hàng FMCG trong quý 2/2017 cho thấy sự bất ổn của thị trường
Sau mức cao kỷ lục trong quý trước, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trên toàn quốc đã tăng trưởng chậm lại trong quý II năm nay. Trong quý này, mức tăng trưởng của ngành hàng FMCG toàn quốc đạt 5,8% so với cùng kỳ năm trước, sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ tăng trưởng sản lượng - 5%, theo báo cáo Market Pulse Qúy 2, được công bố bởi Nielsen Việt Nam - công ty đo lường hiệu quả kinh doanh toàn cầu.
Báo cáo Market Pulse của Nielsen dựa trên kết quả đo lường bán lẻ của ngành hàng tiêu dùng nhanh, trên những nhóm sản phẩm chính, để theo dõi liên tục việc lưu thông sản phẩm thông qua các kênh thương mại và cửa hàng bán lẻ được xác định. Các chỉ số bán lẻ được sử dụng sử dụng trong bài viết cho thấy nỗ lực của nhà sản xuất và các nhà bán lẻ cũng như sức tiêu thụ của người tiêu dùng.
Khi quan sát kĩ hơn ở 6 ngành hàng lớn (nước uống-bao gồm bia, thực phẩm, sữa, sản phẩm chăm sóc gia đình, sản phẩm chăm sóc cá nhân và thuốc lá) tất cả các ngành hàng lớn đều đạt mức tăng trưởng dương trong quý này, cụ thể: ngành hàng thực phẩm và ngành hàng sữa & các sản phẩm từ sữa cùng đạt mức tăng 8.1 %, SP chăm sóc nhà cửa - 5,7%, ngành hàng đồ uống - 5,4%, SP chăm sóc cá nhân - 5% và thuốc lá - 4,7%. Tuy nhiên, so với quý trước, các con số này đều cho thấy sự suy giảm ở tất cả các nhóm ngành hàng lớn so với quý trước. Ngành hàng đồ uống vẫn là ngành hàng có mức đóng góp cao nhất trong tổng doanh số FMCG trong quý này, ở mức 42%. Thực phẩm, thuốc lá và sữa đóng góp vào tổng doanh số khoảng 16%, 15% và 14% (tương ứng).
Sau mức tăng trưởng ấn tượng 8,8% trong quý đầu năm nay do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán, thì ngành hàng FMCG đã tăng trưởng chậm lại trong quý này. Sự sụt giảm này được cho rằng là do nhu cầu tiêu dùng đã giảm sau mùa cao điểm đầu năm. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải theo dõi sát sao sự tăng trưởng của ngành hàng trong quãng thời gian còn lại của năm 2017, vì thị trường Việt Nam liên tục có những biến động khó lường trước trong hai năm qua. Các nhà sản xuất nên thoát ra khỏi vùng an toàn của mình và tìm kiếm cũng như đầu tư vào các thị trường mới để có thể chủ động kiểm soát được sự biến động về mức tăng trưởng và từ đó thúc đẩy phát triển bền vững hơn cho doanh nghiệp.” - ông Nguyễn Anh Dũng, Giám Đốc, Trưởng Bộ Phận Dịch Vụ Đo Lường Bán Lẻ Nielsen Việt Nam nhận định.
Báo cáo cũng cho thấy rằng khu vực nông thôn tiếp tục là vùng đất tiềm năng cho nhiều nhà sản xuất. Trong khi khu vực thành thị đạt mức tăng 5,1% trong quý này so với năm trước, thì khu vực nông thôn cho thấy mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn, lên đến 6,5%, chủ yếu là do tăng trưởng sản lượng. Sự tăng trưởng của khu vực nông thôn đã đóng góp 57,5% vào tổng doanh số bán của ngành hàng FMCG.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh thêm rằng: “Hơn 60% dân số Việt Nam sống ở nông thôn và khu vực này có những cơ hội tuyệt vời, đang đợi các doanh nghiệp khai thác. Quá trình đô thị hóa, việc truy cập internet dễ dàng hơn cũng như sự phát triển của điện thoại thông minh đã và đang thay đổi lối sống của người tiêu dùng tại khu vực nông thôn và mang họ đến gần hơn với cuộc sống mà người dân ở các thị trấn và thành phố lớn đang có. Bên cạnh đó, điều này cũng giúp họ sống trong các môi trường truyền thông đa dạng hơn. Đáng ngạc nhiên hơn là người tiêu dùng nông thôn không chỉ mong muốn được trải nghiệm với cuộc sống có chất lượng tốt hơn, mà họ còn chủ động tìm kiếm và sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có chất lượng cao. Bên cạnh đó, cơ hội để các nhà sản xuất đẩy mạnh các sản phẩm mới về những vùng đất xa xôi này là rất lớn và hoàn toàn có thể thực hiện được để mang lại những hiệu quả tối ưu nhất. Do đó, đây là lúc tốt nhất để các doanh nghiệp tận dụng các lợi thế của khu vực nông thôn để mở rộng kinh doanh ra khu vực này nhằm nắm bắt kịp thời các cơ hội tăng trưởng đến từ thị trường đầy tiềm năng này."
Nguồn: Nielson